Bản tin quản lý thị trường ngày 26/5/2023
Tổng cục Quản lý thị trường trao quà cho người dân vùng khó khăn (baohatinh.vn): Sáng 26/5, đoàn công tác của Tổng cục Quản lý thị trường do Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh dẫn đầu đã trao 1.000 suất quà là chăn ấm và 1.500 đầu sách cho người dân khó khăn trên địa bàn Hà Tĩnh. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân tiếp đón và cùng đi với đoàn.
Tiền Giang: Phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - Cổng thông tin Tổng cục Quản lý thị trường (dms.gov.vn): Chỉ trong 05 tháng đầu năm, Cục đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 93 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón; phát hiện vi phạm 64 vụ, đã xử lý 59 vụ, thu phạt 1,3 tỷ đồng, trị giá tang vật vi phạm hơn 1,4 tỷ đồng; còn 05 vụ đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý.
Đối với mặt hàng phân bón chủ yếu vi phạm về hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện; không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật thường vi phạm về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa.
Thái Nguyên: Đội QLTT số 1 phát hiện, ngăn chặn gần 900 sản phẩm thực phẩm nhập lậu đang trên đường tiêu thụ - Cổng thông tin Tổng cục Quản lý thị trường (dms.gov.vn): Ngày 25/5/2023, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đã tiến hành khám phương tiện vận tải có BKS: 20C-242.13 do ông Đ.T.A địa chỉ: xóm Tân Sơn, xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là lái xe kiêm chủ hàng.
Thực hiện khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính, Đoàn kiểm tra phát hiện phát hiện 871 sản phẩm thực phẩm bao gói các loại gồm: Bánh Hamburger, Trà sữa, Bánh bông lan, nước hoa quả, bánh đĩa. Toàn bộ số thực phẩm trên có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tại thời điểm khám, ông Đ.T.A không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu gì liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa trên. Theo quy định của pháp luật, số hàng hóa này là hàng hóa nhập lậu.
TP. HCM: Tạm giữ gần 3.500 sản phẩm đồ chơi, đồ dùng trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ - Cổng thông tin Tổng cục Quản lý thị trường (dms.gov.vn): Đội QLTT số 7, Cục QLTT TP. HCM vừa tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh kinh doanh B.B.S.VN. tại địa chỉ số C2 Khu dân cư Tân Thuận Nam, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM, phát hiện và thu giữ 3.500 sản phẩm đồ chơi, đồ dùng trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá trên 110 triệu đồng. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm: Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính; Không thông báo Website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 110.880.000 đồng.
Tràn lan bánh kẹo không rõ nguồn gốc trước cổng trường tại Nghệ An (baonghean.vn): Hiện nay, khu vực trước các trường học thường có nhiều quán tạp hoá, xe đẩy với đa dạng các mặt hàng. Đa số là bánh kẹo, đồ chơi trẻ em với đa dạng kiểu dáng, màu sắc bắt mắt. Không khó để nhận ra hình ảnh các em tụm năm, tụm ba rủ nhau mua quà bánh trước các cổng trường mỗi ngày. Thực tế cho thấy, vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm trước các cổng trường “tuy không mới nhưng luôn nóng”, vì thực trạng này vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con trẻ. Do đó, để xử lý dứt điểm vấn đề này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bậc phụ huynh, nhà trường, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng.
Đặc biệt, đối với chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng, cần ra quân thường xuyên để đạt hiệu quả tốt, không chỉ dừng lại ở phong trào, đồng thời phải tăng chế tài xử phạt để răn đe các hộ kinh doanh vi phạm, vì thực tế thời gian qua, các địa phương chủ yếu mới chỉ tiến hành nhắc nhở, ký cam kết, do đó, nguy cơ các chủ cửa hàng tái phạm vẫn hiện hữu.
Đảm bảo an toàn, an ninh thực phẩm | Báo Lào Cai điện tử (baolaocai.vn): UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 2 của tỉnh kiểm tra trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà. Tại huyện Si Ma Cai, đoàn kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thúy N. ở tổ dân phố Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai. Hộ kinh doanh này vi phạm quy định về điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, như không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phần sơ chế, chế biến, đóng gói, các khu vực nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và một số khu vực phụ trợ khác. Các thành viên trong đoàn đã tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở khắc phục vi phạm.
Hà Tĩnh xử lý hơn 100 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (baohatinh.vn): Sau gần một tháng ra quân, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã kiểm tra 4.086 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 111 cơ sở vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lào Cai: Thu giữ 1,5 tấn thực phẩm bẩn (nhandan.vn): Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, thực hiện theo kế hoạch quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, vừa qua lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã thu giữ 1,5 tấn thực phẩm bẩn là chân lợn đã có dấu hiệu phân hủy, chảy nước, bốc mùi hôi thối đang chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ. Theo ước tính của lực lượng chức năng, giá trị lô hàng trên khoảng gần 70 triệu đồng. Hiện toàn bộ số hàng trên đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định.
Mẫu giò lụa nghi gây ngộ độc botulinum có kết quả xét nghiệm âm tính (quochoitv.vn): Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đã có kết quả xét nghiệm mẫu giò lụa nghi gây ngộ độc cho 5 ca bệnh tại TP Thủ Đức. Theo đó, trước sự việc xuất hiện các chùm ca bệnh do ngộ độc botulinum sau khi ăn một loại chả lụa, Phòng Y tế TP Thủ Đức đã tiến hành điều tra và phát hiện một cơ sở không có giấy phép tại phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) sản xuất ra loại chả trên.
Phòng Y tế TP Thủ Đức đã đình chỉ hoạt động cơ sở trên, đồng thời lấy mẫu chả lụa tại nhà các bệnh nhân và mẫu tại nơi sản xuất mang đi xét nghiệm. Đến nay, tất cả các mẫu đều cho kết quả âm tính với độc tố botulinum. Do đó, hiện vẫn chưa xác định được nguồn nào gây ngộ độc cho 5 bệnh nhân đã ăn bánh mì với chả lụa.
Kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, một chủ hộ ở Lạng Giang bị phạt 14 triệu đồng |=> Đăng trên báo Bắc Giang (baobacgiang.com.vn): Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang) vừa ra quyết định xử phạt 14 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Lâm Thị Yến, ở thị trấn Kép (Lạng Giang) về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lạng Sơn: Xử phạt 50 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng vi phạm - Cổng thông tin Tổng cục Quản lý thị trường (dms.gov.vn): Thực hiện công tác kiểm tra định kỳ, ngày 17/5/2023, Đội Quản lý thị trường thị trường số 2 đã kiểm tra, phát hiện 01 hộ kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, địa chỉ: thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc không có giấy chứng nhận huấn luyện về kỹ thuật an toàn của các nhân viên làm việc tại cơ sở;không có chương trình quản lý an toàn, không báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định; không có báo cáo hệ thống phân phối, nhãn hiệu hàng hoá và hoạt động mua bán khí trên thị trường đến Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn; sổ theo dõi ghi không có đầy đủ các thông tin về LPG chai.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh có địa chỉ trên, trình Đội trưởng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 hành vi vi phạm. Ngày 24/5/2023, Hộ kinh doanh trên đã thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nộp 50.000.000 đồng vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Thuốc y học cổ truyền - vẫn “vàng, thau” lẫn lộn - Hànộimới (hanoimoi.com.vn): Thuốc y học cổ truyền (thuốc Nam và thuốc Bắc) ngày càng được nhiều người tin dùng vì hầu như chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Song gần đây, loại thuốc này bị nhiều đối tượng quảng cáo thổi phồng công dụng và trộn chất cấm, tân dược, khiến “vàng, thau” lẫn lộn... Thực trạng trên đặt ra vấn đề, phải quyết liệt trong việc phòng, chống, xử lý vi phạm để thị trường không nhiễu loạn và bảo toàn uy tín cho thuốc y học cổ truyền.
Bắt đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng trên không gian mạng (cadn.com.vn): Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Rlấp nhận tin báo của bà Q. (trú xã Đắk Wer, H. Đắk Rlấp) về việc bị 1 đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng, dùng các thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bà Q. hơn 35,5 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Đắk Rlấp đã tập trung tiến hành xác minh. Thông qua nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngày 10-5, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Đắk Rlấp đã thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu nên tiến hành bắt giữ đối tượng V.Đ.
Qua đấu tranh, đối tượng Đ. khai nhận đã lên mạng xã hội facebook, sử dụng tài khoản “Yên Lưu” tìm kiếm dòng chữ “tìm giấy tờ” sẽ hiện những thông tin, hình ảnh của người bị mất giấy tờ đăng lên mạng xã hội facebook, kèm theo số điện thoại. Đối tượng Đ. gọi điện cho chủ nhân mất giấy tờ, hỏi thông tin về người này có phải bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng không? Sau đó, Đ. tự xưng mình là nhân viên ngân hàng đang giữ giấy tờ, yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng và số thẻ ATM, số CCCD để xác minh có phải chủ tài khoản bị mất không? Khi được bên kia cung cấp thông tin thì Đ. lại yêu cầu cung cấp mã OTP để chuyển tiền thử xem có đúng là chủ tài khoản không, sau đó sẽ chuyển trả lại tiền.
Siết đường hàng không, ngăn chặn ma tuý vào Việt Nam | BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG (sggp.org.vn): Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tại các địa phương gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang yêu cầu siết chặt cửa ngõ “trên không” khi ma túy, tiền tệ, hàng cấm… xách tay vào Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng.
Công văn cho biết, trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua đường hàng không có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự thông thoáng về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý… để móc nối, cấu kết với các cá nhân, tổ chức nước ngoài, hình thành các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế, như vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã, rượu, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hóa khác có trị giá cao… “Đặc biệt là tình trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy, hoạt động không theo quy luật với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thậm chí cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hành lý thông thường, mang theo người”, công văn cho biết.
Chặn 'cái chết trắng' qua bưu chính và chuyển phát nhanh | Báo Giáo dục và Thời đại Online (giaoducthoidai.vn): Tội phạm ma túy thuê các công ty dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh hàng hóa để nếu bị cơ quan công an phát hiện thì dễ dàng xóa dấu vết.
Tội phạm lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch… để ngụy trang, cất giấu ma túy thẩm lậu vào Việt Nam đang là vấn đề “nóng” thách thức các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Sẽ ngăn hút thuốc lá điện tử trong cộng đồng - VnExpress: Ngày 24/5, Thủ tướng phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Mục tiêu hai năm nữa giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhóm nam từ 15 tuổi còn dưới 39%; nữ còn 1,4%; giảm số người tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nơi làm việc, nhà hàng, quán bar, cà phê, khách sạn. Tác hại của thuốc lá sẽ được tiếp tục nghiên cứu, nhất là với các sản phẩm mới. Việt Nam cũng xây dựng lộ trình tăng thuế đối với sản phẩm này; quy định mức giá bán tối thiểu.
Việc bán thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế được kiểm soát chặt, khu vực cấm hút hoàn toàn được mở rộng. Diện tích in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá tăng lên; có thể bị cấm quảng cáo sản phẩm này trên nền tảng trực tuyến, Internet.
Hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không để tránh ngộ độc botulinum (congthuong.vn): Người dân không sử dụng sản phẩm giò chả không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân để tránh ngộ độc botulinum.
Kiểm soát ra sao với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu? (bnews.vn): Chi phí vật tư đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu, khiến ngành chăn nuôi điêu đứng trong thời gian vừa qua. Cùng với giải pháp liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi, giảm trung gian thì việc kiểm soát tốt sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm buôn bán trái phép cũng sẽ giúp bảo vệ sản xuất trong nước và sức khỏe người tiêu dùng.
Thức ăn đường phố - tiện nhưng không lợi - Báo Long An Online (baolongan.vn): Thức ăn đường phố (TĂĐP) được nhiều người ưa chuộng vì tiện dụng, giá rẻ. Tuy nhiên, loại hình ăn uống này chỉ “tiện” nhưng không có “lợi” vì tiềm ảnh nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cán bộ, công chức không được tham gia bán hàng đa cấp | Báo điện tử An ninh Thủ đô (anninhthudo.vn): Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018, quy định rõ những đối tượng không được tham gia bán hàng đa cấp. Theo đó, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Nghị định số 18/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2023. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương có trách nhiệm đáp ứng điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định của Nghị định này.