Bắt giữ đối tượng buôn bán mì chính giả
* Triệt phá kho khí “bóng cười” qua tin báo facebook
Trước đó, vào sáng ngày 4/7/2024, Tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đông Anh, phát hiện Lương Thị Bích đang giao hàng cho 01 cửa hàng tạp hóa, tại chợ Giao Tác, xã Liên Hà, có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, Lương Thị Bích mang theo 03 thùng carton, bên trong có 20 gói mì chính giả nhãn hiệu AJINOMOTO, loại 01 kg; 30 gói mì chính giả nhãn hiệu AJINOMOTO, loại 454 gam. Lực lượng Công an còn thu giữ thêm số mì chính giả đang có tại cửa hàng tạp hóa, gồm: 01 gói mì chính giả nhãn hiệu AJINOMOTO, loại 100 gam; 05 gói mì chính giả nhãn hiệu AJINOMOTO, loại 454 gam; 04 gói mì chính giả nhãn hiệu AJINOMOTO, loại 01 kg. Tổ công tác đã đưa đối tượng và tang vật về cơ quan Công an để làm việc.
Tang vật cơ quan Công an thu giữ |
Tại cơ quan Công an, đối tượng Bích khai nhận, thấy mì chính của hãng AJINOMOTO bán ra thị trường có giá thành đắt nên nảy sinh ý định mua mì chính có giá rẻ, kém chất lượng, đóng gói làm giả thành mì chính của hãng AJINOMOTO để bán kiếm lời. Bích đã mua số mì chính này của Ngô Thị Vinh ở chợ Giàu, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Ngô Thị Vinh, Công an huyện Đông Anh thu giữ 02 bao tải màu trắng, loại 25 kg, có in chữ nước ngoài, bên trong có chứa mì chính; 01 gói mì chính giả nhãn hiệu AJINOMOTO loại 01 kg.
Hiện Công an huyện Đông Anh đang củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định.
Liên tiếp phát hiện mì chính giả
Thời gian qua lực lượng chức năng đã không ít lần thu giữ và bắt quả tang việc sản xuất mì chính giả. Hồi tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, Công an tỉnh Thái Bình vừa phát hiện, bắt giữ vụ sản xuất mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto với số lượng cực lớn.
Trước đó, Tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình đã phát hiện đối tượng Đỗ Phúc Cương đang vận chuyển 120 gói mì chính ghi nhãn hiệu Ajinomoto loại 454g/gói đi tiêu thụ nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng trên.
Theo lời khai ban đầu, toàn bộ số mì chính trên do đối tượng Đỗ Phúc Cương sản xuất, đóng gói tại nơi ở tại xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình. Thi hành lệnh khám khẩn cấp nơi ở của Đỗ Phúc Cương tại thôn Nguyễn Trãi, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình phát hiện Trần Thị Nhài (vợ Cương) đang sản xuất hàng giả là mì chính.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 1,67 tấn mì chính và nguyên liệu cùng nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất mì chính giả.
Cũng trong tháng 1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú 1 đối tượng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Các Quyết định đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Sơn Dương xác định trên địa bàn có nhiều cửa hàng tạp hóa đang tiêu thụ sản phẩm mì chính giả với số lượng lớn. Công an huyện đã xác lập chuyên án, huy động lực lượng, phương tiện để đấu tranh. Ngày 12/1, các lực lượng chức năng đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kinh doanh và kho hàng của hộ kinh doanh Vệ Thanh tại các xã Tân Trào, Minh Thanh, huyện Sơn Dương (do Sái Quang Đạo làm chủ); kiểm tra 42 cơ sở kinh doanh tạp hóa trên địa bàn các xã thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn, phát hiện, thu giữ hơn 2,7 tấn mì chính giả nhãn hiệu AJI-NO-MOTO.
Mở rộng điều tra xác định, số mì chính trên được Sái Quang Đạo mua lại từ Lê Thị Liên. Quá trình làm việc, Lê Thị Liên đã tự nguyện giao nộp 16 bao mì chính giả có tổng trọng lượng 400kg cùng nhiều tang vật liên quan.
Cách phân biệt và lựa chọn mì chính đảm bảo chất lượng
Có rất nhiều cách có thể áp dụng để phân biệt được mì chính thật giả, điển hình như sau:
Về bao bì mì chính: Mì chính thật có hình biểu tượng của sản phẩm đọc được rõ ràng; màu chữ đỏ tươi; bao bì dày, mềm mại, không nhăn. Mì chính giả có hình biểu tượng của sản phẩm có màu vàng sậm, nhoè, không đọc được dòng chữ bên trong hoặc rất mờ; màu chữ đỏ sẫm; bao bì giòn, cứng và dễ nhăn nheo.
Quy cách đóng gói mì chính: Mì chính thật có các đường hàn ở túi đựng các cạnh phẳng, đều nhau và không có nổi bọt; mặt sau dưới đáy bao có in nổi ngày tháng sản xuất, rất rõ nét (6 số). Mì chính giả có đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau, đục và có nổi bọt; không in hoặc có in ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc. Cánh mì chính to, sóng đều, không gãy là hàng thật. Cánh không đều, gãy, có nhiều bụi trắng là hàng giả.
Về trọng lượng mì chính: Nếu xét về độ chuẩn chất lượng và số lượng thì bạn có thể cân gói mì chính mình mua lên xem số lượng ghi trên bao bì có trùng khớp số lượng thực tế hay không. Mì chính giả sẽ có trọng lượng thấp hơn hoặc nhiều hơn so với trọng lượng ghi trên bao bì.
Ảnh minh họa |
Kiểm tra hình dáng mì chính và chất lượng mì chính: Đổ một ít mì chính cần thử ra tờ giấy trắng, quan sát các tinh thể xem có đồng nhất không. Hòa một ít tinh thể vào nước và nếm, nếu là mì chính thì có vẻ ngọt dịu. Nếu có vị lạ hoặc kích thích lưỡi thì không phải mì chính. Nếm xong cần súc miệng ngay. Hoặc cho một thìa cà phê tinh thể cần thử vào một chén nước rau muống luộc, nếu nước rau chuyển sang màu sẫm hơn thì đó không phải là mì chính. Cho một thìa cà phê tinh thể cần thử vào một chén nước quấy đều lên, nếu thấy có những tinh thể không tan thì đó không phải là mì chính.
Tiếp đến có thể cho một ít tinh thể vào một thìa sạch và hơ trên ngọn lửa, nếu là mì chính sẽ có mùi như lông tóc cháy, nếu không có mùi hay có mùi khác hoặc tàn tro màu trắng thì đó là mì chính giả.
Theo giới chuyên gia, không chỉ riêng mì chính, tất cả các loại phụ gia nếu không có tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh sinh thực phẩm thì không được sử dụng trong thực phẩm. Do đó người tiêu dùng nên mua mì chính ở những cửa hàng có uy tín, bên cạnh đó nên tìm hiểu nhãn mác, tem bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng của sản phẩm.