Bộ Công Thương đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển
Tại họp báo, bên cạnh việc thông tin về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trong 3 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, trong những tháng tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; Tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn duy trì ở mức độ thấp (theo IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 dự kiến đạt 3,1% tương đương với mức tăng trưởng năm 2023; Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn năm 2023 nhưng đang từng bước cải thiện vững chắc; Nhật Bản tăng trưởng không được như năm 2023 và chưa thấy có sự cải thiện trong những tháng gần đây); Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn không tăng mạnh nhưng vẫn tiếp tục dịch chuyển sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam; Thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo tăng trưởng vẫn khiêm tốn, có sự cải thiện nhưng không nhiều (theo WTO, tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ tăng 3,2% vào năm 2024); Lạm phát kinh tế thế giới được kiểm soát và có xu hướng hạ dần 2023 nhưng vẫn ở mức cao…
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động phức tạp của địa chính trị và kinh tế thế giới, sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào sẽ góp phần kiểm soát lạm phát.
Bộ Công Thương tổ chức hợp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Báo Công Thương |
Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.
Về thuận lợi: Một là, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư; Hai là, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED - 2%); Ba là, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu; Bốn là, các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ đối với Việt Nam...
Về khó khăn: Thứ nhất, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023; Thứ hai, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác; Thứ ba, Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn/quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu; Thứ tư, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Băng-la-đét... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức. Ảnh minh họa |
Như vậy, mặc dù các kết quả trong Quý I/2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn (như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững; năm 2024 diễn ra nhiều cuộc bầu cử nên có thể dẫn đến nhiều thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách dân túy, mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại, tại các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nga, Ấn Độ... tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng do hiện tượng El Nino gây sức ép về bảo đảm cung cấp đủ điện…).
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
Về sản xuất, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...; Tập trung cao độ cùng EVN, UBQLV và các địa phương triển khai dự án đường dây 500KV mạch 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đó, theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng Quý, từng tháng 2024; đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống;
Thời gian tới, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh minh họa |
Về bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước: Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước (như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…).
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ; Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng; Phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu;
Cùng đó, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; Phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; Tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước; Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.