Bộ trưởng Công Thương: Đủ cung ứng xăng dầu đến hết tháng 3
Tại buổi làm việc bàn về các giải pháp cung ứng xăng dầu chiều 22/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định với nguồn dự trữ trong nước còn dồi dào và nguồn nhập khẩu được bổ sung liên tục gấp 3 lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay đủ cung ứng cho thị trường đến hết tháng 3.
"Với mức 3,7 - 3,8 triệu tấn hiện có trong nước, từ nguồn xăng dầu dự trữ, từ nguồn cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là từ nguồn nhập khẩu tăng gấp 3 lần bình thường trong thời gian từ đầu tháng 2 đến nay, chúng ta có đủ lượng xăng dầu cung ra thị trường trong nước đến hết tháng 3/2022. Khẳng định với nhân dân là chúng ta đủ lượng xăng dầu đến hết tháng 3.
Vụ Thị trường trong nước và Hiệp hội xăng dầu sẽ tham mưu cho Bộ để có thể phân bổ trong những ngày tới, đảm bảo không thiếu xăng dầu trên địa bàn cả nước đến hết tháng 3”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường nhập khẩu xăng dầu từ 2,4 triệu tấn lên 3,7 triệu tấn vào Quý II/20222, đảm bảo đến hết tháng 6 không thiếu xăng dầu |
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường nhập khẩu xăng dầu từ 2,4 triệu tấn lên 3,7 triệu tấn vào Quý II/20222, đảm bảo đến hết tháng 6 không thiếu xăng dầu. Nếu 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không đạt mức tối thiểu thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Bộ Công Thương sẽ phân bổ chi tiết sản lượng xăng dầu cho các tư nhân phân phối, doanh nghiệp phân phối trong mấy ngày tới để đảm bảo không thiếu xăng dầu trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương cũng chia sẻ, từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ sẽ quyết định điều hành theo kịch bản. Theo đó, lượng xăng dầu sản xuất trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp vào bấy nhiêu từ nguồn nhập khẩu cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế.
Đồng thời, Bộ trưởng chỉ đạo, hiện nguồn cung xăng dầu không thiếu, do vậy, đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ xăng dầu trong nước cần khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương kể từ tháng 3/2022. Doanh nghiệp nào găm hàng sẽ bị đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Bộ Công Thương cũng đã công bố kịch bản điều hành và giao chỉ tiêu đến từng doanh nghiệp trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo xăng dầu không thiếu trong mọi tình huống.
Cùng ngày, Bộ Công Thương đã có báo cáo về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Đơn vị này cho biết theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, do khó khăn về tài chính nên nhà máy đã phải cắt giảm công suất sản xuất trong thời gian vừa qua.
Hiện nhà máy chạy ở mức 55-60% công suất, do đó việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%. Cụ thể, kế hoạch giao là 680.000 m3, thực tế giao khoảng 390.000 m3; trong đó xăng giảm 18% và dầu DO giảm 57%.
Dự kiến tháng 3 cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng tức 540.000/680.000 m3. Hiện, nhà máy báo cáo sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 nhưng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.
Theo báo cáo của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm nên từ cuối tháng 1, nhà máy đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng công suất lên 105%.
"Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu mỗi tháng. Tuy nhiên, mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất", Bộ Công Thương đánh giá.
Hiện, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối đầu tháng 2 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại (gồm 620.000 m3 xăng, 650.000 m3 dầu diesel, chưa kể lượng tồn kho của các thương nhân phân phối và đại lý).
Dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường trong tháng 2 khoảng 2,39 triệu m3 (trong đó 990.000 m3 các loại từ nguồn trong nước và 1,4 triệu m3 từ nguồn nhập khẩu).
"Với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tháng 2 và dự trữ gối đầu sang tháng 3", Bộ Công Thương đánh giá.