Quản lý thị trường cả nước sẽ kiểm tra, giám sát chặt tình hình kinh doanh xăng dầu
Hội nghị giao ban toàn lực lượng QLTT - buổi họp đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến |
Sáng 15/2, tại trụ sở Tổng cục, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đã chủ trì Hội nghị giao ban toàn lực lượng, đây là buổi họp đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022 theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có các Lãnh đạo Tổng cục; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục và 63 điểm cầu địa phương.
Nhấn mạnh nội dung cuộc họp, Tổng Cục trưởng đề nghị các đơn vị thuộc, trực thuộc tập trung trao đổi về tình hình triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS), công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2021-2026… trong đó Văn phòng Tổng cục phải có báo cáo về kế hoạch tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua hướng đến kỷ niệm 65 năm truyền thống lực lượng Quản lý thị trường (3/7/1957-3/7/2022).
Đặc biệt, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh đến nhiệm vụ cấp bách trước mắt đó là việc toàn lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng xăng dầu, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Chánh Văn phòng Nguyễn Minh Phương báo cáo kế hoạch, các hoạt động, phong trào thi đua hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng |
Ngay mở đầu Hội nghị giao ban, bà Nguyễn Minh Phương - Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, 2022 là năm kỷ niệm 65 năm truyền thống lực lượng. Do vậy, thời gian qua, Văn phòng đã lên kế hoạch, xây dựng, phát động nhiều hoạt động, phong trào thi đua, điển hình là phát động Chương trình trồng 65.000 cây xanh trong toàn lực lượng QLTT.
Chánh Văn phòng Nguyễn Minh Phương cho biết, Chương trình được tổ chức nhằm chào mừng Kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Công Thương (14/5/1951-14/5/2022) và 65 năm ttruyền thống lực lượng QLTT (3/7/1957-3/7/2022), nhằm nâng cao nhận thức của công chức và người lao động trong lực lượng QLTT về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong Chương trình lần này, Tổng cục QLTT giao cho Cục QLTT mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu trồng 1.000 cây xanh, Cục Nghiệp vụ QLTT trồng 1.000 cây và Cơ quan Tổng cục QLTT trồng 1.000 cây.
“Các đơn vị lựa chọn loại cây phù hợp với điều kiện thực tế về nông hóa thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; các cây có giá trị về kinh tế, ý nghĩa về môi trường và hoàn thành việc trồng cây trước ngày 19/5/2022”, Chánh Văn phòng Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh.
Liên quan đến việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS), ông Ngô Khánh An - công chức Phụ trách mảng công nghệ thông tin của Tổng cục cho biết, Hệ thống INS chính thức được triển khai trong toàn lực lượng từ ngày 1/2/2022. Trước đó, trong suốt năm 2021, toàn lực lượng đã làm quen và vận hành thử.
Đến thời điểm hiện nay, có thể nói, về cơ bản, Cục QLTT các địa phương đều áp dụng tốt, thông thạo và nhuần nhuyễn mọi thao tác có trên Hệ thống. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên được cập nhật… Tuy nhiên còn nhiều đơn vị vẫn áp dụng biểu mẫu cũ, chưa áp dụng biểu mẫu mới đã được thay thế; nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục về Hệ thống INS còn chưa đến tay được Đội QLTT các địa phương, các kiểm soát viên…
“Thời gian tới, đề nghị Cục QLTT các địa phương khắc phục những vướng mắc tồn tại; thường xuyên chia sẻ, trau dồi, trang bị kỹ năng, kinh nghiệm vận hành hệ thống để Hệ thống INS đạt hiệu quả cao nhất, xứng đáng với kỳ vọng của Tổng cục trưởng cũng lãnh đạo của Bộ Công Thương, cao hơn là Chính phủ”, ông Ngô Khánh An chia sẻ.
Báo cáo với Tổng cục trưởng và các đơn vị về công tác xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 2021-2026 của lực lượng QLTT, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Quỳnh Anh phổ biến những tiêu chuẩn, điều kiện cho các chức danh quy hoạch.
Kết luận Hội nghị, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh đến nhiệm vụ trước mắt trong tháng 2 và Quý I/2022 của toàn lực lượng, đó là tập trung kiểm tra, thanh tra mặt hàng xăng dầu. Song song đó, chú trọng đến quá trình triển khai Hệ thống INS, công tác quy hoạch cán bộ... |
Kết luận Hội nghị giao ban, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đánh giá cao Chương trình trồng 65.000 cây xanh hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Công Thương và 65 năm ngày truyền thống lực lượng QLTT. “Đây là sự đổi mới trong việc tổ chức các phong trào thi đua của toàn lực lượng. Chương trình rất có ý nghĩa, đóng góp vào mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ”, Tổng Cục trưởng ghi nhận và cho biết, ngay trong tháng 2 này, cơ quan Tổng cục sẽ trồng những cây xanh đầu tiên ở khu di tích lịch sử của Bộ Công Thương tại tỉnh Tuyên Quang.
Liên quan đến việc triển khai Hệ thống INS, Tổng Cục trưởng quán triệt, toàn lực lượng đã có 2 năm làm quen, vận hành thử nghiệm, do vậy, đến thời điểm này, không được Cục QLTT nào có ý kiến là chưa biết sử dụng, không thạo máy tính, thiếu máy tính hay chưa hiểu biểu mẫu.
“Chúng ta đã có thời gian rất dài để chuẩn bị, gần 2 năm. Từ xây dựng Hệ thống, đào tạo, hướng dẫn, dùng thử… do vậy, hiện nay chúng ta phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện cho đúng”, Tổng Cục trưởng quán triệt và cho rằng, muốn thành công phải bắt đầu từ người đứng đầu, do vậy, từ Cục trưởng, Phó Cục trưởng các đơn vị đến Đội trưởng, các kiểm soát viên phải quyết tâm thực hiện.
Liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, Tổng Cục trưởng chỉ đạo, trong tháng 2 và Quý I/2022, toàn lực lượng sẽ tập trung kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh mặt hàng xăng dầu. “Dự báo, từ nay đến tháng 4, tháng 5/2021, tình hình nguồn cung xăng dầu sẽ còn khó khăn, do vậy, trong quá trình kiểm tra, thấy cửa hàng kinh doanh xăng dầu nào đóng cửa, lập tức vào kiểm tra ngay. Điều tra rõ nguyên nhân vì sao đóng cửa, vì sao không bán hàng. Chúng ta phải làm kiên quyết, làm thực sự”, Tổng Cục trưởng chỉ đạo.
Song song đó, Tổng Cục trưởng thẳng thắn phê bình, một số Cục QLTT địa phương triển khai các chỉ đạo, các văn bản của Bộ, của Tổng cục còn chậm, chưa thực sự sâu sát với công tác kiểm tra mặt hàng này. Trong điều hành xăng dầu, trách nhiệm của lực lượng QLTT là chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá. “Bên cạnh một số đơn vị nghiêm túc triển khai thì còn một số đơn vị triển khai hời hợt. Nguyên nhân là gì? Do bao che hay ko chỉ đạo được?”, Tổng Cục trưởng phê bình.
Trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng đề nghị, Cục QLTT các địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, của Tổng cục QLTT, tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ người dân và cho phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Tổng Cục trưởng cũng đề nghị, cơ quan Tổng cục QLTT cũng như các Cục QLTT địa phương cần nâng cao công tác phòng, chống dịch Covid-19, bởi hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp, mỗi ngày ca rước có đến gần 30.000 ca nhiễm.
Liên quan đến công tác xây dựng, bổ sung, quy hoạch cán bộ giai đoạn 2021-2026 của lực lượng QLTT, Tổng Cục trưởng nhấn mạnh, công tác xây dựng cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu, là nền tảng xây dựng một lực lượng vững mạnh, chính quy. Nguyên tắc xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ phải dựa trên nguyên tắc “động” và “mở”. “Động” là quy hoạch nhưng không cố định. Trong quá trình quy hoạch, rà soát có thể bỏ người này, thêm người kia.
Còn “mở, tức là không được khép kín ở trong đơn vị của mình, có thể giới thiệu, đề bạt người ở đơn vị khác sang đưa vào quy hoạch cán bộ.
“Đề nghị người đứng đầu quán triệt nguyên tắc này. Rà soát chặt chẽ, quy hoạch đúng người, đúng năng lực. Ưu tiên cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, giỏi nghiệp vụ. Làm quy hoạch phải công tâm, khách quan trong việc đánh giá, nhận xét. Không đưa tình cảm, cảm xúc cá nhân vào công tác đánh giá”, Tổng Cục trưởng đề nghị.
Trong thời gian tiếp theo, Tổng Cục trưởng cho biết, toàn lực lượng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, triển khai và hoàn thành Kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất năm 2022 và các kế hoạch chuyên đề trong công tác về đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.