Quản lý thị trường với lời dạy “Dĩ công vi thượng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo Bác, đạo đức trước hết là gốc của người cách mạng: vì, người cách mạng muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn được dân mến phục tin yêu phải có đủ cả tài và đức. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, nếu không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Trong thực thi công vụ, người căn dặn phải “Dĩ công vi thượng”. Có nghĩa người cán bộ phải đặt việc công lên trên hết, đặt lợi ích của nước, của dân, của Đảng lên trên hết. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc |
Từ buổi đầu hoạt động cách mạng cho tới lúc từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhất quán đặt vấn đề đạo đức cách mạng lên hàng đầu trong việc tuyên truyền giáo dục đào tạo cán bộ đảng viên cũng như việc bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Người đã có rất nhiều bài viết, bài nói về đạo đức như: tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927); “Cần, kiệm, liêm, chính” (1949); “Đạo đức cách mạng” (1958); “Di chúc” (1965-1969)... Các bài viết của Người đều toát lên tư tưởng đạo đức là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng, người lãnh đạo, người cán bộ đảng viên.
Rèn luyện đạo đức là công việc phải tiến hành lâu dài, bền bỉ suốt đời trong thực tiễn. Người từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Trong thực thi công vụ, người căn dặn phải “Dĩ công vi thượng”. Có nghĩa người cán bộ phải đặt việc công lên trên hết, đặt lợi ích của nước, của dân, của Đảng lên trên hết. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.“Dĩ công vi thượng” là một trong những nội dung cốt lõi xuyên suốt của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành Công Thương và giới doanh nhân. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, ngày 13/10/1945, Bác đã viết một bức thư đầy tâm huyết gửi cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp, động viên họ tham gia tổ chức Công thương cứu quốc đoàn. Bức thư chưa đầy 200 chữ đó của Bác có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân. 76 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTG thành lập Ban QLTT Trung ương và các Ban Quản lý thị trường (QLTT) tại các tỉnh, thành phố và khu tự trị trong cả nước. Đây là mốc son đánh dấu sự hình thành và bắt đầu quá trình phát triển của lực lượng QLTT.
Tuy không có may mắn được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, có lời dạy trực tiếp nhưng từ khi ra đời đến nay, những công chức trong ngành QLTT tự hào là một “binh chủng” trong ngành Công Thương; luôn trau dồi đạo đức cách mạng, tư cách người đảng viên, thực hiện “Dĩ công vi thượng” như lời dạy của Bác.
Trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương, lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng liên quan thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Lực lượng QLTT đã không ngừng nỗ lực kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Đặc biệt, khi được nâng lên thành Tổng cục QLTT, với sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Công Thương, nhiều vụ án lớn về buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ hay vi phạm an toàn thực phẩm…được lực lượng QLTT triệt phá từng bước mang lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”. Những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số công chức QLTT vẫn còn tồn tại làm giảm sút lòng tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.
Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm… vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi lực lượng QLTT phải nỗ lực phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và tư cách cán bộ; đổi mới, sáng tạo, chủ động trên các mặt trận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mùa Xuân Nhâm Dần 2022, lực lượng QLTT cũng vinh dự, tự hào kỷ niệm 65 năm xây dựng và trưởng thành. Một mùa Xuân đang mở ra những vận hội và thách thức mới, mỗi công chức QLTT tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong, thực hiện “Dĩ công vi thượng” kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với các phong trào thi đua của Ngành Công Thương nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác.
Mỗi cán bộ, công chức QLTT không chỉ trau dồi phẩm chất và tư cách đạo đức tác phong, rèn luyện đạo đức, lối sống; chống tham nhũng, tiêu cực mà phải tự soi, tự sửa; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng hình ảnh cán bộ QLTT trở thành thân thiết, gắn bó và tin cậy với Nhân dân và Doanh nghiệp; hướng tới xây dựng lực lượng QLTT ngày càng Chính quy – Chuyên nghiệp – Hiện đại.