Chỉ có 2,2% doanh nghiệp làm chủ công nghệ, sẵn sàng chuyển đổi số
Thông tin trên được công bố tại Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022: “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam,” do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) tổ chức, ngày 16/2.
Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai. Báo cáo cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình và xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, phân tích mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp và đưa ra những góc nhìn chuyên gia với một số bài học thành công của một số doanh nghiệp điển hình tiến hành chuyển đổi số thành công.
Báo cáo được xây dựng dựa trên khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Nông, lâm, thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Giáo dục đào tạo;… thông qua các hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình.
Theo báo cáo, 48,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số, nhưng hiện tại không còn sử dụng do các giải pháp này chưa phù hợp hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 và giờ không còn nhu cầu.
Hơn nữa trên thực tế, các đơn vị chuyển đổi số chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống. Cụ thể, 35,3% doanh nghiệp cho biết chỉ số hoá dữ liệu, quy trình. Hiện chỉ có một tỉ lệ nhỏ 2,2% doanh nghiệp cho biết đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.
Trong khi, 1.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát lại đạt tỷ lệ 55% đã tham gia vào chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu toàn cầu và còn lại đang có kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài trong 2 năm tới.
Đây cũng là báo cáo duy nhất được các cơ quan chức năng xây dựng cung cấp các thông tin chính thống cho cộng đồng doanh nghiệp dựa trên các khảo sát cập nhật và thực tiễn về chuyển đổi số.
Chỉ có 2,2% doanh nghiệp làm chủ công nghệ, sẵn sàng chuyển đổi số |
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, năm 2022, những tác động sau dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi số đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng, và thậm chí tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.
Nhiều nghiên cứu và bài học thực tiễn đã chứng minh những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới, tạo khoảng cách ngày càng xa với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi.
Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 nhằm nâng cao nhận thức chung về một số xu hướng công nghệ trên thế giới, hiểu được thực trạng, mức độ sẵn sàng (MĐSS) chuyển đổi số, cũng như học hỏi từ những câu chuyện về chuyển đổi số sẽ giúp mỗi doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp của riêng mình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Dự án USAID LinkSME chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS và hiện đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến và chiến lược CĐS của riêng mình, một số doanh nghiệp nhờ đó mà thực hiện quá trình CĐS nhanh và hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác. Trong bối cảnh đó, nội dung khảo sát – trọng tâm của báo cáo thường niên này thể hiện được tầm quan trọng đối với doanh nghiệp.
Dự án USAID LinkSME sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh hơn nữa quá trình CĐS cho doanh nghiệp Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ này sẽ bao gồm xây dựng thêm một số tài liệu sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số, tổ chức tập huấn và cung cấp hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số cho những doanh nghiệp được lựa chọn - tất cả các hoạt động này dự kiến được thực hiện trong nửa đầu năm 2023.”
Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hành trình chuyển đổi số so với năm 2021.
Thứ nhất, năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát ĐANG tiến hành chuyển đổi số (CĐS) có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều (năm 2021, nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai CĐS). Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới CĐS của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.
Thứ hai, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu và chuẩn hoá quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp mà đặc biệt là DNNVV vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện CĐS một cách rõ ràng ngay từ đầu. Vì vậy mà việc đầu tư CĐS vẫn chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều doanh nghiệp.
Thứ ba, phân tích mức độ sẵn sàng (MĐSS) của các doanh nghiệp (chủ yếu là DNNVV) cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số. Tuy nhiên, từng lĩnh vực có MĐSS chuyển đổi số khác nhau đòi hỏi xây dựng lộ trình khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề.
Thứ tư, định hướng & chiến lược, con người & tổ chức, trải nghiệm khách hàng & bán hàng đa kênh là 3 khía cạnh có MĐSS chuyển đổi số tốt nhất. Quản trị rủi ro vẫn là điểm hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề.
Thứ năm, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo.