Hội nghị tập huấn kỹ năng kinh doanh và ứng dụng các công cụ, giải pháp hiệu quả trong thương mại điện tử
Hội nghị đào tạo, tập huấn có sự tham dự của bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An; Ông Huỳnh Văn Anh - Phó giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang; Ông Nguyễn Văn Niệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre; Cùng đại diện Trung tâm Kinh doanh VNPT, Trung tâm Chữ ký số và Hợp đồng điện tử (VNPT) và các doanh nghiệp, Hiệp hội trên địa bàn các tỉnh. Các diễn giả tham gia thuyết trình tại Hội nghị có ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam; Ông Võ Xuân Nam, Phụ trách đào tạo, Trung tâm Phát triển TMĐT; Cục TMĐT và Kinh tế số.
Toàn cảnh Hội nghị tại Long An
Hiện nay, mua sắm trực tuyến dần quen thuộc với nhiều người, giúp bán hàng đa kênh trở nên phổ biến. Khi hoạt động mua bán, chốt đơn hàng qua mạng càng gia tăng thì các sàn TMĐT cũng tăng cường thêm tính năng hỗ trợ người bán, trong đó có xu hướng livestream. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm, bán hàng qua livestream đã thổi một làn gió mới giúp doanh nghiệp trụ vững qua giai đoạn khó khăn.
Toàn cảnh Hội nghị tại Bến Tre
Có thể nói, bên cạnh thương mại di động (m-commerce), livestream bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm.
Các diễn giả và học viên chụp ảnh lưu niệm tại Tiền Giang
Thông qua các kênh livestream bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP và cả những người nông dân không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình. Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng.
Ông Võ Xuân Nam, Phụ trách đào tạo, Trung tâm Phát triển TMĐT
Không chỉ riêng các doanh nghiệp, hiện nay các cơ sở sản xuất nhỏ, các tiểu thương, các tổ chức, cá nhân cũng đã có những khởi đầu trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… và bước đầu mang về kết quả nhất định.
Cùng với đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong TMĐT nói riêng và trong quản lý doanh nghiệp nói chung được xem như một nhân tố góp phần thay đổi cách thức vận hành của nhiều doanh nghiệp, cải thiện trải nghiệm người dùng, tối ưu quy trình quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa chiến lược marketing, hỗ trợ khách hàng tốt hơn...
Hội nghị nhận được sự quan tâm của đông đảo học viên
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định pháp luật về TMĐT đối với các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do không tìm hiểu các quy định pháp luật trên lĩnh vực TMĐT nên không thực hiện việc đăng ký/thông báo website thương mại điện tử với cơ quan quản lý (Bộ Công Thương) dẫn đến vi phạm không đáng có.
Vì vậy, tại các Hội nghị, bên cạnh việc giới thiệu tổng quan về TMĐT Việt Nam cũng như một số nền tảng, giải pháp hỗ trợ phát triển TMĐT cho doanh nghiệp, ông Võ Xuân Nam, Phụ trách đào tạo, Trung tâm Phát triển TMĐT đã chia sẻ cụ thể về những vấn đề pháp luật trong TMĐT, đồng thời, hướng dẫn các bước cơ bản về thủ tục đăng ký, thông báo website TMĐT với Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Liên quan đến nội dung livestream, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã giới thiệu về livestream trên các nền tảng; Các bước chuẩn bị cho livestream bán hàng và các kỹ năng cần thiết cho livestream bán hàng; Cách tiếp cận khách hàng trong livestream; xây dựng chiến lược livestream bán hàng; Các nội dung chuyên sâu để tạo ra doanh thu lớn; Trí tuệ nhân tạo AI, giải pháp ứng dụng trong công việc và TMĐT…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, và xã hội. Đặc biệt, trong hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà còn là yếu tố sống còn giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường. Đây cũng là chủ đề của Chương trình đào tạo diễn ra tại Tiền Giang ngày 14/8.
Toàn cảnh Hội nghị tại Tiền Giang
Đại diện Lãnh đạo các Sở Công Thương Long An, Tiền Giang, Bến Tre hy vọng, sau lớp tập huấn này, các học viên, đặc biệt là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương trên địa bàn sẽ được cập nhật các kiến thức, kỹ năng tham gia, tạo gian hàng, xây dựng các video ngắn, thành thạo livestream để quảng bá và bán sản phẩm; Xây dựng thương hiệu và tăng hiệu quả kinh doanh trên các nền tảng số; Tiếp cận các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiktok, Lazada…; đồng thời, nắm bắt được các giải pháp thanh toán số, nắm được các nguy cơ và cách phòng tránh lừa đảo khi tham gia các sàn TMĐT, mạng xã hội, môi trường số… Nhờ đó, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tiểu thương tiếp cận khách hàng, phát hiện thị trường mới, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.