Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có nhu cầu lớn trong chuyển đổi số
Tại Hội thảo, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19... gây ra những khó khăn, thách thức buộc các nhà sản xuất phải thay đổi và thích ứng.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển. Chính vì vậy, từ tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông qua Hội thảo, Cục Phát triển Doanh nghiệp kỳ vọng, các diễn giả, các đại biểu sẽ làm rõ hơn các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Đồng thời, chia sẻ các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược trong việc số hóa các hoạt động kinh doanh và quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất... qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới hiệu quả.
Toàn cảnh Hội thảo |
Doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu
Thông tin cơ bản về tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện nay, ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn 53,6% doanh nghiệp có năng lực sản xuất bị suy giảm. Cùng với đó, có tới 40,9% doanh nghiệp khó dự đoán khối lượng dự trữ hàng hóa thích hợp.
Gần 38% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào do khó khăn về vận chuyển trong nước cũng như quốc tế… Vì vậy, chuyển đổi số lúc này sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới đây của VCCI liên quan đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp cho thấy, 3/4 các doanh nghiệp được khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19. Tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất chế biến ứng dụng các công nghệ số cao hơn so với các doanh nghiệp phi sản xuất. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra những điểm đáng lưu tâm khi công nghệ số chỉ được doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistics, marketing, bán hàng. Trong khi đó, khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.
Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng nêu rõ, có gần 20% các doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ mới từ khi có Covid-19 và tiếp tục sử dụng công nghệ này trong tương lai. Tồn lại gần 17% các doanh nghiệp chưa ứng dụng các công nghệ số nhưng đã có quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ số. Thêm vào đó, nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số cũng chưa có nhiều chuyển biến.
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, cũng như còn e ngại về sự rò rỉ dữ liệu cá nhân của doanh nghiệp và thiếu cả nhân lực, thiếu cả thông tin, khó khăn trong việc thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống của mình”, ông Tuấn nhận định.
Chuyển đổi số để nâng cao sự cạnh tranh
Theo Bộ Công Thương, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp là một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động và nỗ lực hơn nữa để chuyển đổi số. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tạo dựng môi trường, thể chế và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường chuyển đối số để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Phải nói rằng, doanh nghiệp trước khi chuyển đổi số thì hệ thống khá rời rạc, sau khi áp dụng sẽ được đưa về một mối, đồng bộ kết nối, qua đó nâng cao sự cạnh tranh tiếp cận thị trường với sự bán hàng, tiếp thị một cách chuyên nghiệp.
Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, các doanh nghiệp sản xuất cần tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Đó là ưu tiên việc hợp tác trong quá trình vận hành. Sự hợp tác ở đây để có thể hiểu theo chiều dọc, tức là giữa các cá nhân, các bộ phận trong doanh nghiệp và hợp tác theo chiều ngang giữa doanh nghiệp với các khách hàng cũng như các đối tác của mình.
Giám đốc một công ty trong lĩnh vực công nghệ chia sẻ, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tập trung vào việc tăng cường năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng chuyển đổi số, chi phí sản xuất sẽ được tối ưu hóa bằng cách thông qua việc tăng cường năng lực sản xuất của máy móc, thiết bị và cải tiến quy trình công nghệ.
Theo vị Giám đốc này, cần lựa chọn một giải pháp, một phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp phù hợp là hết sức quan trọng. Đặc biệt giải pháp ấy cần sự phù hợp với các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, phù hợp với tương lai phát triển của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lập kế hoạch ngân sách hiệu quả, áp dụng công nghệ mới và tiếp cận các đối tác hoặc tự triển khai.