Chủ động hợp tác hướng tới bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính
Hợp tác là tất yếu
Ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường (QLTT) Trung ương và các Ban QLTT tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đánh dấu sự hình thành và bắt đầu quá trình phát triển của lực lượng QLTT.
Sự ra đời của lực lượng QLTT được đánh giá là hết sức cần thiết để phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… để ổn định thị trường trong nước.
Có thể nói, đây là khối lượng công việc hết sức to lớn và nặng nề mà lực lượng QLTT phải gánh vác nhất là trong bối cảnh tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến hết sức tinh vi, khó lường. Các đối tượng lợi dụng công nghệ cao để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện kiểm tra và xử lý.
Tổng cục Quản lý thị trường luôn chú trọng công tác phối hợp với các lực lượng chức năng khác để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Thực tế trên đòi hỏi lực lượng QLTT cần có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có liên quan để thể tăng cường tối đa hiệu quả, hiệu lực trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. “Bộ Công Thương sẽ xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt, sẽ triển khai phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan, Công an... tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động buôn lậu”, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu trong phiên họp Quốc hội tháng 3 vừa qua.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành Công Thương còn nhấn mạnh: “Bộ Công Thương đã chủ động yêu cầu Tổng cục QLTT phải tuân thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng địa phương và của nhân dân".
Quan điểm chỉ đạo từ Tư lệnh ngành Công Thương cho thấy, việc hợp tác với các cơ quan chức năng có liên quan chính là yếu tố then chốt có tính tất yếu để lực lượng QLTT nói riêng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bối cảnh còn bộn bề khó khăn, gian khó mà lực lượng phải nỗ lực vượt qua nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp trong 3 năm gần đây.
Chủ động để thành công
Không khó để có thể nhận thấy, xu hướng tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng và các bộ ngành có liên quan đã được lực lượng QLTT triển khai ngay từ khi mới hình thành tổ chức QLTT. Và đặc biệt, sau khi hoạt động theo mô hình ngành dọc, thống nhất từ Trung ương đến địa phương công tác phối kết hợp càng được Tổng Cục QLTT trú trọng, đẩy mạnh.
Không chỉ trong những hoạt động trực tiếp hàng ngày mà còn biến thành chủ trương lớn, được hợp thức hóa thành quy chế phối hợp chính thức giữa Tổng cục QLTT với các đơn vị lớn như: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội, Bưu điện Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng cục Du lịch Việt Nam…
Sự phối hợp, hợp tác ấy đã mang lại những thành công lớn cho toàn lực lượng với những dấu ấn đáng ghi nhận như, trong năm 2021, lực lượng QLTT phối hợp cùng lực lượng Công an tấn công, triệt phá kho hàng, thu giữ 13.726 cái túi xách, ví các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Hermes, Gucci, LV, Dior tại Nam Định; kiểm tra, xử lý 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hà Nội, Hưng Yên, tạm giữ khoảng 40 tấn hàng; vụ tạm giữ trên 4 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá trên 17 tỷ đồng tại Bắc Ninh; vụ việc 21 bãi than tại Hải Dương có dấu hiệu vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra…
Sau gần 4 năm kiện toàn bộ máy, hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 212.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.210 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý 16.706 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 98 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong cao điểm dịch bệnh, theo số liệu từ Tổng cục QLTT.
Ông Phạm Đức Thắng - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từng chia sẻ, Quy chế phối hợp giữa Tổng cục QLTT và Petrolimex đã phát huy những kết quả tích cực trong hoạt động quản lý thị trường xăng dầu, tạo được sự đồng thuận cao trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
“Trong gần 9 tháng qua (từ 3/7/2020 đến 17/3/2021), thị trường xăng dầu đã được kiểm tra, thanh tra chặt chẽ hơn, số vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã thuyên giảm. Đặc biệt, vấn đề quản lý, bảo hộ thương hiệu Petrolimex của Tập đoàn cũng được giải quyết. Tại nhiều tỉnh thành, vi phạm về thương hiệu đã giảm đi rõ rệt”, nguyên Phó Tổng Giám đốc Petrolimex từng thông tin.
Những con số biết nói trên cho thấy, chủ trương thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng QLTT và các cơ quan chức năng có liên quan đã mang lại những kết quả tích cực và cần được phát huy, triển khai sâu rộng hơn nữa trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đây cũng chính là một trong những trọng tâm quan trọng được Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “lực lượng QLTT phải thay đổi nhận thức, tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường, không gói mình trong nhiệm vụ QLTT trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, mà còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới”.
Trong những năm tới, Tổng cục QLTT cũng như Cục QLTT các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành... Đặc biệt là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.