Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng
Chiều 8/7, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công Thương.
Chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” tại Bộ Công Thương nằm trong chương trình giám sát năm 2022 của Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường - Quốc hội.
Toàn cảnh buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công Thương |
Rà soát, gỡ bỏ 18.725 sản phẩm vi phạm trên thương mại điện tử
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Ngày 17/11/2010, Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và hàng loạt các Nghị quyết, Chương trình hành động liên quan đến lĩnh vực này. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
“Việc giám sát chuyên đề lần này là sự cần thiết, đúng mức để Bộ Công Thương nhìn lại quá trình tổng kết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng tốt hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc giám sát chuyên đề lần này là sự cần thiết, đúng mức để Bộ Công Thương nhìn lại quá trình tổng kết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tại thời điểm ban hành năm 2010 và qua quá trình thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật đã thể hiện được tính thống nhất, phù hợp đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai. Đồng thời, ngay trong quá trình khai, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện tổng kết, đánh giá định kỳ theo năm, theo giai đoạn năm và 10 năm đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đặc biệt các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật.
“Trên cơ sở đánh giá, kết quả nêu trên, năm 2019, Bộ Công Thương đã đề xuất các cấp có thẩm quyền xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện tại Bộ đang trong quá trình nghiên cứu, sửa Luật. Thông qua buổi làm việc với Đoàn giám sát, Bộ Công Thương sẽ phối hợp để làm rõ các vấn đề liên quan, nhằm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo tóm tắt việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2022, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện nhiệm vụ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ; đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
“Về cơ bản, trong gần 12 năm thực thi vừa qua, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ; đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam”, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Trịnh Anh Tuấn, trong giai đoạn 2011 - 2021, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và giám sát tổng số 171 vụ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật liên quan đến hàng trăm triệu sản phẩm ô tô, xe máy, máy tính, điện thoại, pin, quạt, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em…
Số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Bộ tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ/năm trong giai đoạn 2014-2020. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ trung bình năm là trên 90%.
Cùng với đó, một số đơn vị chức năng của Bộ cũng đẩy mạnh công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, như thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử được xây dựng và vận hành từ năm 2013 tại địa chỉ www.online.gov.vn và số hotline 024.22205512, Bộ đã tiếp nhận và xử lý khoảng 200 khiếu nại của người tiêu dùng mỗi năm về các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử; lực lượng quản lý thị trường các tỉnh cũng thường xuyên tiếp nhận các phản ánh của người tiêu dùng qua đường dây nóng đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu, xăng giả, hàng nhập lậu, hàng giả...
Bên cạnh đó, để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường trực tuyến, các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp. Kết quả, trong năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 như: Kit test Covid-19, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.
Ông Trịnh Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2011-2022 tại Bộ Công Thương còn nhiều hạn chế |
Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2022, song ông Trịnh Anh Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác này cũng còn một số bất cập, hạn chế: Một số quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp, chưa điều chỉnh kịp sự thay đổi của thực tiễn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng; một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật có liên quan, dẫn tới khó theo dõi, thực hiện không thống nhất.
Bên cạnh đó, hiện nguồn lực triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác triển khai chính sách, pháp luật chưa tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, chưa có các giải pháp mang tính đổi mới đột phá; một số địa phương, một số bộ ngành còn chưa quan tâm tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã thực hiện xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi và đang được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Cần sự chung tay các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội
Tại chương trình làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đều đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương và cho rằng, hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người dùng đã được ban hành một cách kịp thời, nhanh chóng, đồng bộ và có sự rà soát, điều chỉnh, cập nhật để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước thực tiễn, góp phần tạo động lực thúc đẩy và khuyến khích sự tham gia của xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu |
Song, các đại biểu vẫn cho rằng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn một số bất cập. Trước bối cảnh trên, các đại biểu nhấn mạnh, việc hoàn thiện quy định pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là việc làm cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Pháp luật của Nhà nước góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đề nghị Bộ Công Thương làm rõ thêm về phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và các Luật đan xen khác có liên quan.
Ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, quyền lợi của người tiêu dùng phạm vi điều chỉnh không chỉ dành cho người dân Việt Nam mà cả người nước ngoài, tổ chức quốc tế sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Đây là phạm vi điều chỉnh rất rộng, liên quan đến Luật chuyên ngành khác.
"Chúng ta cần có đánh giá cụ thể, mang tính logic để bảo vệ người tiêu dùng, từ bảo vệ trực tiếp, tac động trực tiếp đến tác động gián tiếp, cũng như tác động phản hồi”, ông Vương Quốc Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội cho rằng, cần định vị rõ vị trí của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nêu rõ hơn vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc thực thi các FTA đã ký kết.
Lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đại biểu trong đoàn giám sát, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, sau gần 12 năm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực thi, các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã có những diễn biến mới, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bản chất bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thay đổi, nhưng phạm vi quá rộng, bao trùm hết các lĩnh vực, do vậy đòi hỏi cần có trách nhiệm, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi cần giải quyết 4 vấn đề cơ bản: Định nghĩa người tiêu dùng; Người tiêu dùng có những quyền cơ bản gì; Quy trình, nguyên tắc giải quyết khi có tranh chấp; Hệ thống thực thi luật.
Đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương cũng như sự chuẩn bị nghiêm túc của Bộ cho buổi làm việc với đoàn giám sát, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Phó Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo của Bộ Công Thương đã bám sát đề cương của đoàn giám sát, thể hiện cụ thể các nội dung theo yêu cầu.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, ông Tạ Đình Thi đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ và tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện Báo cáo gửi Đoàn giám sát nghiên cứu trong thời gian sớm nhất.