Chung tay thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử các tỉnh vùng Tây Nguyên
Lãnh đạo Cục TMĐT và Kinh tế số chụp ảnh lưu niệm cùng Đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương và doanh nghiệp
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Hữu Quế - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số; cùng sự hiện diện của 200 đại biểu là Lãnh đạo các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố; Các doanh nghiệp vận hành dịch vụ TMĐT, doanh nghiệp công nghệ; Các Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở đào tạo; Các cơ quan báo chí, truyền thông của trung ương và địa phương…
Liên kết vùng là chìa khóa để khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo ra chuỗi giá trị và lợi ích chung cho toàn vùng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, TMĐT đã trở thành một trong những yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đối với khu vực Tây Nguyên với đặc thù địa lý rộng lớn, dân cư phân tán và hạ tầng giao thông còn hạn chế, thì TMĐT chính là một công cụ hữu hiệu để kết nối sản phẩm, dịch vụ của vùng với thị trường trong nước và quốc tế.
Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh
Tây Nguyên được biết đến với những mặt hàng nông sản thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây đặc sản và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Những sản phẩm này không chỉ có chất lượng cao mà còn mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên. Theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh, TMĐT chính là cầu nối quan trọng để đưa các sản phẩm này tiêu thụ rộng rãi ra các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khắp cả nước.
Điều đặc biệt thuận lợi là khu vực Tây Nguyên có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu trực tuyến các mặt hàng này sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước ASEAN khác. Sự phát triển của TMĐT đã giúp xóa nhòa ranh giới địa lý, giảm thiểu chi phí và thời gian giao dịch, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc tế. “Đây là cơ hội lớn để Tây Nguyên không chỉ nâng cao kim ngạch xuất khẩu mà còn quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm địa phương ra toàn cầu”, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số khẳng định.
Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế
Bên cạnh những thuận lợi, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cho biết, lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 5.238 doanh nghiệp, trong đó 40% số doanh nghiệp xây dựng website TMĐT. Các website đã được thành lập chưa được khai thác hiệu quả; Bên cạnh đó, kỹ năng ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu tại doanh nghiệp còn hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự…
Vì vậy, Đại diện Lãnh đạo tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai rất vinh dự được Bộ Công Thương chủ trì tổ chức “Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương có thể khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao kỹ năng, năng lực vận hành TMĐT, phát triển thương hiệu sản phẩm; chủ động thúc đẩy mở rộng kênh phân phối mới cũng như hỗ trợ hoạt động xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới”.
Theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh, để TMĐT thực sự phát huy được tiềm năng của mình, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Liên kết vùng chính là chìa khóa để khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo ra chuỗi giá trị và lợi ích chung cho toàn vùng.
Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền |
Nhấn mạnh thêm về chủ trương này, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, chuỗi sự kiện liên kết vùng là cơ hội để các địa phương nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát triển thị tường TMĐT lành mạnh, bền vững, từ đó, thu hẹp khoảng cách phát triển TMĐT giữa các địa phương. Đối với doanh nghiệp, mô hình sẽ giúp tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao năng lực sản xuất; Chuẩn hóa quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm; Gia tăng nhận diện thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, chuỗi sự kiện còn giúp người dân tăng khả năng tiếp cận sản phẩm; Tăng sự lựa chọn sản phẩm với chất lượng dịch vụ tốt, giá thành giảm…
Mở rộng thị trường xuất khẩu cùng TMĐT xuyên biên giới
Với mục tiêu xây dựng sàn TMĐT hợp nhất các sàn TMĐT địa phương đang hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa có tính liên kết, Cục TMĐT và Kinh tế số giao Trung tâm Phát triển TMĐT xây dựng và vận hành Sàn Việt (sanviet.vn). Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, tính đến hết tháng 8/2024, Sàn Việt đã kết nối với 9 sàn TMĐT địa phương thuộc 6 vùng kinh tế; Cập nhật gần 1.000 sản phẩm đặc trưng vùng miền; xử lý gần 100 đơn hàng thành công. Đặc biệt, Sàn Việt đã hỗ trợ nhà sản xuất tiếp cận với nhiều phương thức bán hàng trên môi trường trực tuyến…
Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT Nguyễn Văn Thành |
Nhấn mạnh thông điệp Sàn Việt là giải pháp chung tay của Cơ quan QLNN trung ương và địa phương, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng hỗ trợ, các sàn TMĐT địa phương… để góp phần đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển TMĐT, tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT đã trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên sàn nhánh Gialai.sanviet.vn và chia sẻ định hướng của Sàn Việt để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, TMĐT xuyên biên giới ngày càng trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vươn tầm thế giới.
Thông tin về một số sản phẩm vùng Tây Nguyên tiềm năng trên Alibaba, bà Trương Phương Thoa - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ TMĐT khu vực phía Nam, Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB (Đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam) chia sẻ, những sản phẩm nông sản của Việt Nam như cafe, trà, cao su, macca, các sản phẩm dược liệu… đang được người mua đến từ các quốc gia như : Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đang tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng Alibaba. Vì vậy, bà Trương Phương Thoa gợi ý các doanh nghiệp nên tập trung vào những sản phẩm thế mạnh, được người tiêu dùng thế giới yêu thích để chinh phục thị trường nước ngoài rộng lớn.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ TMĐT khu vực phía Nam, Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB Trương Phương Thoa
Với vai trò là doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu tại Việt Nam, những năm qua, Viettel Post đã giúp bà con nông dân đóng gói hàng hóa, lưu kho vận chuyển hàng hóa đi khắp cả nước và ra quốc tế với chính sách tốt nhất, trong đó, Viettel Post kết hợp với nhiều các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Với riêng doanh nghiệp tại Gia Lai, ông Nguyễn Quang Phúc - Giám đốc Chi nhánh bưu chính Viettel Post Gia Lai cho biết, Viettel Post đã phục vụ cho 200 doanh nghiệp và hợp tác xã, hộ kinh doanh tại đây. Hàng tháng, đã có hơn 26 nghìn đơn hàng với hơn 100 tấn hàng hóa được vận chuyển đi khắp mọi miền đất nước.
Đa dạng hoá phương thức bán hàng trên các nền tảng trực tuyến
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết, TikTok triển khai chương trình Tự hào hàng Việt với mục tiêu tăng cường giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu Việt chất lượng, những địa chỉ doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin và ngày càng ủng hộ những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt hơn nữa.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok tại Việt Nam
Thông tin về “Câu chuyện thành công trên TikTokshop”, ông Nguyễn Lâm Thanh đã giới thiệu về mô hình của Mật ong Phương Di (tỉnh Gia Lai), Hana Ban Mê (tỉnh Đắk Lăk)… Theo đó, với việc cập nhật xu hướng, nhiều doanh nghiệp thuộc vùng Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung, đã tận dụng và phát huy hiệu quả lợi thế của bán hàng trên TikTok nhờ livestream để ngày càng thành công.
KOC – MC Thuỳ Dung
Một trong những điểm nhấn của Chương trình là phiên livestream đặc biệt của KOC ngay tại khán phòng Hội nghị. Với phần chia sẻ tràn đầy tâm huyết và cảm hứng, KOC đã giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm đặc trưng của Gia Lai và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Nhờ đó, phiên livestream nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương và đông đảo doanh nghiệp tham dự hội nghị đang mong muốn tìm kiếm cơ hội trên các nền tảng số để mở rộng thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ trong khuôn khổ Hội nghị
Kết thúc Hội nghị, Đại diện Cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT đã ký kết Biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT nhằm chung tay hỗ trợ các tỉnh Vùng Tây Nguyên phát triển logistics, tăng tốc bán hàng nhờ tận dụng ưu thế của livestream và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT, trong đó có Sàn Việt và các sàn TMĐT xuyên biên giới.
Lãnh đạo Cục TMĐT và các Đại biểu tham quan, nghe giới thiệu về các sản phẩm tiêu biểu của Tây Nguyên tại các gian hàng trong khuôn khổ Hội nghị