Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi tuyên truyền pháp luật bằng loa lưu động dịp Tết 2025
Năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật bằng loa lưu động và thực hiện tuyên truyền tại 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện nay trên thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm ẩn những hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tinh minh bạch của thị trường hàn hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Đặc biệt Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đây là cơ hội để trà trộn các mặt hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng…trên thị trường.
Đứng trước tình hình đó, song song với việc thực hiện Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024. Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật bằng loa lưu động. Việc tuyên truyền lưu động được thực hiện trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố trong vòng 12 ngày kể từ ngày 05/12/2024 đến ngày 20/12/2024.
Những ngày qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hình thức lưu động bằng xe ô tô của Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi đã được triển khai từ các trung tâm mua sắm sầm uất cho đến các huyện vùng xa miền núi. Nội dung pano tuyên truyền gồm: “ Chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không tiêu dùng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng” và “ Không sản xuất, buôn bán hàng hóa kém chất lượng; không buôn bán, vận chuyển và tiếp tay cho việc buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ”; Nội dung tuyên truyền qua loa hướng đến việc khuyến cáo người dân lựa chọn mua các sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không sản xuất, buôn bán, vận chuyển và tiếp tay cho việc buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đến người dân để nắm được chế tài xử lý nếu vi phạm. Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ, cá nhân có thể bị xử phạt ở mức cao nhất là 50 triệu đồng khi vi phạm và lên đến mức cao nhất là 100 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa là thực phẩm hoặc hàng hóa thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Với nội dung tuyên truyền lưu động ngắn gọn, tập trung vào việc khuyến cáo và phổ biến chế tài ở mức cao nhất khi vi phạm đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong tiêu dùng cũng như sản xuất, mua bán hàng hóa trên thị trường.
Công tác tuyên truyền bằng loa lưu động dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ tiếp thu đã thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm theo dõi; và quan trọng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và tiếp tay cho việc buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ giúp ổn định tình hình thị trường và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.