Đấu tranh phòng, chống hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Phòng, chống hàng giả trên không gian mạng
Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND TP Hà Nội phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.
Trong buổi phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương thẳng thắn cho rằng vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đổi mới, sáng tạo để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại là bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng |
Cùng chung quan điểm này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại là bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Theo Tổng Cục trưởng, hiện nay, xu hướng mua bán trực tuyến đang phát triển đồng nghĩa với việc hàng giả, gian lận thương mại cũng gia tăng, người tiêu dùng đối diện nhiều hơn với vấn nạn mua, sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Người tiêu dùng đôi khi ở thế bất lợi, muốn mua hàng hóa, nhưng không có sản phẩm như ý về cả nguồn gốc, chất lượng... nhiều khi mua, sử dụng phải hàng giả mà không biết. Để bán được hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng, các đối tượng thường hay sử dụng uy tín, hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo, chào bán sản phẩm, lấy lòng tin của người tiêu dùng”, Tổng Cục trưởng dẫn chứng và cho biết thêm, rất nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng...
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thịu trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Phòng Trưng bày hàng thật, hàng vi phạm theo từng chủ đề do Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa, triển khai nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm chính hãng, rõ nguồn gốc |
Cũng trong năm 2022 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng đang là vấn đề được nhiều Bộ, ngành quan tâm và chống hàng giả trên thương mại điện tử cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2023 và những năm tới.
Chú trọng tăng cường nguồn lực, năng lực
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, để tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, năm 2022, Bộ Công Thương đã mở rộng hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (1800.6838), tăng số lượng đầu mối tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng chú ý, các hoạt động liên quan đến tuyên truyền về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được mở rộng phạm vi địa lý và hướng tới các đối tượng là người tiêu dùng có đặc điểm riêng như sinh viên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số… Chú trọng kết nối với địa phương, kêu gọi sự tham gia của nhiều chủ thể, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để tranh thủ tối đa các nguồn lực...
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết trong thời gian tới UBND Thành phố tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thờ, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng.
Đấu tranh phòng, chống hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Đối với lực lượng Quản lý thị trường, góp phần hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 cũng như giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Trên môi trường thương mại điện tử, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, hiện các chủ sàn thương mại điện tử cũng đã rất chú trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng lưu ý mua hàng tại các trang bán hàng có giấy phép thì quyền lợi mới được đảm bảo. Nếu mua hàng tại các trang mạng trôi nổi, những tài khoản mạng xã hội có thể lập và xóa bất kỳ lúc nào thì đương nhiên quyền lợi sẽ khó đảm bảo hơn, nhất là khi mua món hàng giá trị.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khuyến cáo, hãy là người tiêu dùng thông thái bởi, hiện nay các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm.
Do vậy, để hạn chế thấp nhất các rủi ro, nhất là khi mua hàng trên không gian mạng, người tiêu dùng phải thận trọng, tìm mua hàng hóa ở các cửa hàng có địa chỉ uy tín, các đại lý phân phối hàng chính hãng, phải có hóa đơn và giữ lại hóa đơn để phòng những sự cố, Tổng Cục trưởng lưu ý một lần nữa.