Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm 50% thuế GTGT với xăng, dầu
Giám sát liên tục 83 cửa hàng kinh doanh xăng dầu Bộ Tài chính nghiên cứu giảm VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu Chưa tước ngay giấy phép nhập khẩu xăng dầu đối với 5 doanh nghiệp vi phạm |
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu.
Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo. Nhiều quốc gia đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát tăng cao kèm theo lo ngại về suy thoái tế kinh tế toàn cầu. Để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát thì giải pháp giảm thuế cũng cần đặt ra.
Đối với giải pháp về thuế, trong điều kiện thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã giảm xuống mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng đã điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%, căn cứ theo thẩm quyền thì cần thiết phải trình Quốc hội có quyết nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, như sau:
Giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn;
Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Hiệu lực thi hành của Nghị quyết thực hiện theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất giảm 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, thời gian áp dụng 06 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cụ thể:
Giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng các loại như sau:
Xăng: Giảm từ mức 10% xuống 5%;
Xăng E5: Giảm từ mức 8% xuống 4%;
Xăng E10: Giảm từ mức 7% xuống 3,5% làm tròn xuống là 3%.
Giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng (từ mức thuế suất 10% xuống 5%) đối với mặt hàng: Xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước: Với mức giá dầu thô dự kiến 100 USD/thùng:
Nếu tính bình quân một tháng: Số giảm thu ngân sách nhà nước của 02 sắc thuế này khoảng 2.031 tỷ đồng/tháng (trong đó: giảm thu ngân sách nhà nước do giảm thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 711 tỷ đồng/tháng, giảm thu ngân sách nhà nước do giảm thuế giá trị gia tăng khoảng 1.320 tỷ đồng/tháng). Nếu tính cả việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 (khoảng 132 tỷ đồng/tháng), Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng) và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 (khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng) thì tổng giảm thu ngân sách nhà nước một tháng khoảng 6.224 tỷ đồng/tháng.
Trong khi đó, tác động tăng thu ngân sách nhà nước do giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm tăng khoảng 3.962 tỷ đồng/tháng. Khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 2.262 tỷ đồng/tháng.
Nếu thời gian thực hiện giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng trong vòng 6 tháng: Tổng giảm thu ngân sách nhà nước đối với 02 sắc thuế này là 12.186 tỷ đồng. Theo đó, tổng giảm thu ngân sách nhà nước do việc giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu như đề xuất (bao gồm: giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15, Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15) là khoảng 45.642 tỷ đồng.
Về tác động đến giá bán lẻ xăng, dầu: Với phương án đề xuất nêu trên và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12/9/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 13,35% đối với xăng E5RON92, khoảng 15,61% đối với xăng RON95 và khoảng 7,18% đối với dầu diesel. Theo đó, giá xăng dầu sẽ giảm tương ứng đối với xăng E5RON92 là 1.700 đồng/lít còn 20.531 đồng/lít, đối với xăng RON95 là 1.921 đồng/lít còn 21.294 đồng/lít và đối với dầu diesel là 1.099 đồng/lít còn 23.081 đồng/lít.
Tác động đến CPI: Nếu thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế từ ngày 01/11/2022 đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng; theo đó, dự kiến tác động của biện pháp giảm thuế theo phương án này giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,15%. Tuy nhiên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.