Công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu được thực hiện nhất quán, đúng quy định
Thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố
Trong tháng 4 năm 2024, thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như căng thẳng địa chính trị, chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ đẩy giá dầu lên mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiêu thụ xăng dầu hạn chế tác động đến giá chững lại.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, giá dầu thô có diễn biến tăng là chủ yếu, dầu thô WTI từ 70,38 USD/thùng (ngày 02/01/2024) tăng lên mức đỉnh 86,910 USD/thùng (ngày 05/4/2024) rồi đi xuống, đứng ở mức 81,930 USD/thùng vào ngày 30/4/2024; dầu thô Brent từ 75,89 USD/thùng (ngày 02/01/2024) tăng lên mức đỉnh 91,170 USD/thùng (ngày 05/4/2024) rồi đi xuống, đứng ở mức 87,860 USD/thùng vào ngày 30/4/2024.
Giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên của năm 2024 (ngày 04/01/2024) là: 87,460 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 91,233 USD/thùng xăng RON95; 99,008 USD/thùng dầu hỏa; 96,798 USD/thùng dầu điêzen 0,05S; 438,895 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S. So với kỳ điều hành giá ngày 04/01/2024, giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành cuối cùng của tháng 4 năm 2024 (ngày 25/4/2024) là: 101,172 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 13,712 USD/thùng, tương đương tăng 15,68%); 105,582 USD/thùng xăng RON95 (tăng 14,349 USD/thùng, tương đương tăng 15,73%); 100,157 USD/thùng dầu hỏa (tăng 1,149 USD/thùng, tương đương tăng 1,16%); 100,892 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (tăng 4,094 USD/thùng, tương đương tăng 4,23%); 511,045 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 72,150 USD/tấn, tương đương tăng 16,44%).
Xăng dầu đã có 10 lần tăng và 7 lần giảm giá
Trong 4 tháng đầu năm 2024, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 17 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng có 10 lần tăng và 7 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa có 9 lần tăng và 8 lần giảm giá, mặt hàng dầu mazut có 12 lần tăng và 5 lần giảm giá. So với kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2024 (ngày 04/01/2024), tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của tháng 4 năm 2024 (ngày 25/4/2024), giá mặt hàng xăng E5RON92 tăng 2.913 đồng/lít, tương đương tăng 13,87%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 2.999 đồng/lít, tương đương tăng 13,68%; mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.348 đồng/lít, tương đương tăng 6,96%; mặt hàng dầu hỏa tăng 729 đồng/lít, tương đương tăng 3,65%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 1.913 đồng/kg, tương đương tăng 12,35%.
So với cùng thời điểm năm 2023 (kỳ điều hành ngày 21/4/2023), giá bán trên thị trường tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của tháng 4 năm 2024 (kỳ điều hành ngày 25/4/2024) của mặt hàng xăng E5RON92 tăng 1.231 đồng/lít, tương đương tăng 5,43%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 1.276 đồng/lít, tương đương tăng 5,40%; mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.319 đồng/lít, tương đương tăng 6,80%; mặt hàng dầu hỏa tăng 1.206 đồng/lít, tương đương tăng 6,19%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 1.565 đồng/kg, tương đương tăng 9,88%.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu cuối tháng 4 năm 2024 (theo kỳ điều chỉnh giá ngày 25/4/2024): xăng RON92 ở mức 23.919 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 24.915 đồng/lít, dầu diesel 0,05S ở mức 20.716 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 20.686 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3,5S ở mức 17.408 đồng/kg.
Công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu được thực hiện nhất quán, đúng quy định
Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Tài chính thực hiện việc điều hành giá xăng dầu, trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu
Bộ Công Thương đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Đầu năm 2024, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 02 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTG ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo để thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, như: chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu: thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 02 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp và Thông báo số 01/TB-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2024 của Bộ Công Thương thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các doanh nghiệp bảo đảm kế hoạch sản xuất cung ứng xăng dầu; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký với Bộ Công Thương, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống...; đề nghị Sở Công Thương các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương, giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán hàng không có lý do, gây thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu cục bộ trên địa bàn... Nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn luôn đươc đảm bảo trong giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn; chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo số liệu báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước xăng dầu các loại Quý I/2024 ước khoảng 6,5 triệu m3/tấn. Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, sản lượng sản xuất xăng dầu các loại Quý I/2024 ước khoảng 3,7 triệu tấn. Ước lượng tiêu thụ nội địa xăng dầu các loại Quý I/2024 ước khoảng 6 triệu m3/tấn (bình quân khoảng 2 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho cuối Quý I/2024 khoảng 1,5-1,7 triệu m3/tấn, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.