Dự kiến thu 2.200 tỷ đồng từ sự kiện Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên
Để tăng cường liên kết, tạo động lực phát triển du lịch giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh tây bắc và các tỉnh, thành phố khác, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng trong những năm tiếp theo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định lựa chọn tỉnh Điện Biên là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024.
Với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”, Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 diễn ra với 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng. Trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương chủ trì tổ chức; 28 chương trình, sự kiện, hoạt động do tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
Dự kiến thu 2.200 tỷ đồng từ sự kiện Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên |
Điểm nhấn của Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 là Lễ khai mạc gắn với Lễ hội Hoa Ban năm 2024 có chủ đề: “Về miền Hoa Ban” được tổ chức ngày 16/3 tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ; Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa nổ tầm cao diễn ra tối 6/5 tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ; Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức sáng 7/5 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên; Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên, Liên hoan Ẩm thực toàn quốc năm 2024 tổ chức vào tháng 8/2024 tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ; Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 vào quý II/2024; Lễ Tổng kết, Bế mạc Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 tổ chức vào tháng 12/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch Điện Biên, ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Điện Biên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân thân thiện, hiếu khách, bản sắc văn hóa đa dạng, với 31 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử-tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe”, ông Nguyễn Minh Phú khẳng định.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, Điện Biên hiện đang là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có cảng hàng không kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông đường bộ với các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng... Đây là yếu tố quan trọng để tỉnh Điện Biên thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Trong tương lai, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục thu hút khách bằng nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó có hướng khai thác tuyến du lịch kết nối Điện Biên, một số tỉnh Tây Bắc với bắc Lào.
Năm 2024, Điện Biên đặt mục tiêu đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, nâng tổng thu từ du lịch lên 2.200 tỷ đồng.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, năm 2023, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh được nâng cao, vị thế và hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng rõ nét hơn trên bản đồ du lịch thế giới. Thông qua việc tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia tại các tỉnh, nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò du lịch trong xã hội ngày càng được nâng cao; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng nhanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch.