EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam
Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, với gần 93% doanh nghiệp cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới.
Doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cũng bày tỏ rằng các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác, và vận tải và logistics.
Hơn 73% doanh nghiệp Đức tin tưởng EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh tại Việt Nam |
Đối với việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, kết quả khảo sát cho biết, 73% doanh nghiệp Đức tin rằng việc triển khai EVFTA giữa EU và Việt Nam làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam. Đó là EVFTA giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Đức tại thị trường Việt Nam. Hiệp định xóa bỏ hơn 99% thuế quan.
Ngoài ra, EVFTA tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong vai trò là thị trường cung ứng. Trên thực tế, trước khi EVFTA có hiệu lực, các công ty có thể xuất khẩu theo quy định trong chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cấp (GSP) của EU.
Các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có EVFTA cũng giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Những mối nguy trên toàn cầu đang khiến triển vọng kinh tế và kinh doanh xấu đi, nhưng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cung ứng thế giới.
Ông Robin Hoenig - Tư vấn cấp cao về chính sách thương mại (châu Á/ASEAN) đánh giá, Việt Nam là 1 trong 2 nước ở ASEAN có Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu, cùng với Singapore. Đây là Hiệp định có chất lượng cao, không chỉ liên quan đến việc giảm thuế quan mà cả các yếu tố phi thuế quan như mở cửa các thị trường hàng hóa đầu vào, yêu cầu quy định với doanh nghiệp nhà nước hay các hoạt động thương mại điện tử, phát triển bền vững… Đây cũng là một thế mạnh của Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp Đức cũng như châu Âu đầu tư, kinh doanh.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Việt Nam thu hút được 422 dự án đầu tư của doanh nghiệp Đức còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 2,31 tỷ USD, đứng thứ 18/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp Đức cũng cho biết, họ thường xuyên tận dụng FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp Đức vẫn muốn Việt Nam cần tăng cường hơn nữa năng lực, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành máy móc hiện đại, thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức và các quốc gia khác. Cùng với đó, để thu hút dòng vốn từ các doanh nghiệp Đức, Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, từ đó có các chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư.