Giờ Trái đất 2023: Cả nước tiết kiệm được 298.000 kWh
Thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia - thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 (từ 20h30-21h30 ngày 25/3/2023), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 298.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng).
Tuy sản lượng điện tiết kiệm được trong 1 giờ hưởng ứng Chiến dịch không nhiều (trung bình khoảng 400.000 kWh/năm) nhưng trên hết, ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở con số này, mà còn là sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Tuy sản lượng điện tiết kiệm được không nhiều nhưng trên hết, ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở con số, mà còn là sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường |
Từ 20h30 ngày 25/3/2023, sự kiện Giờ Trái đất đã đồng loạt diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Đây là sự kiện quốc tế thường niên được khởi xướng từ năm 2007 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng thông qua việc tắt thiết bị điện không cần thiết trong vòng 60 phút.
Lấy chủ đề “Thời khắc quan trọng cho Trái đất”, chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 nhấn mạnh, đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học, đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường. Đây là điều kiện tiên quyết để tăng cường sức khỏe, sự đa dạng phong phú của các loài, quần thể và hệ sinh thái.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An từng cho biết, Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 với thông điệp “Tiết kiệm điện – Thành thói quen", nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Bằng thông điệp này, Bộ Công Thương mong muốn tất cả người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trên toàn quốc hãy chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Giờ Trái đất là hoạt động xã hội do Bộ Công Thương chủ trì từ năm 2009, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng thông qua việc khuyến khích các hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh tắt đèn điện, cũng như các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 60 phút.
Qua 15 năm tổ chức, Giờ Trái đất tại Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên toàn quốc. Qua đó cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cộng động đối với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Sự kiện Giờ Trái Đất thường niên diễn ra từ 20h30-21h30 ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm, với hoạt động chính: cùng nhau tắt đèn trong 1 giờ để hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện. Sau 16 năm triển khai, sự kiện Giờ Trái Đất đã trở thành phong trào vì môi trường có quy mô lớn nhất thế giới. thu hút sự tham gia của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức của trên 190 quốc gia. Ngoài sự kiện tắt đèn, tại nhiều nước trên thế giới còn diễn ra các hoạt động như miễn phí dịch vụ giao thông công cộng, chương trình nghệ thuật kỷ niệm Giờ Trái Đất...
Năm 2022, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất (từ 20h30 - 21h30 ngày 26/3/2022), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 309.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 576,1 triệu đồng).