Hàng Việt Nam rất ít được tìm mua trên các sàn thương mại điện tử
Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo về vị thế của hàng Việt trên sàn thương mại điện tử do bộ phận nghiên cứu iPrice Insights có trụ sở tại Malaysia công bố.
Theo iPrice Insights, đơn vị này đã tiến hành phân tích gần 1 triệu lượt truy cập trên thương mại điện tử trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, tập trung vào 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam.
Kết quả khảo sát của iPrice Insights cho biết, hàng có thương hiệu Việt Nam hiện chỉ chiếm 17% lượt tìm kiếm mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Phần lớn 83% số sản phẩm được quan tâm là hàng hóa có xuất xứ nước ngoài.
Đáng chú ý, công bố của iPrice Insights còn cho biết, xu hướng tìm kiếm hàng Việt có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021, điều này phần nào cho thấy doanh nghiệp trong nước đang chưa thể tận dụng hiệu quả kênh thương mại điện tử dù kênh này tăng trưởng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nếu xét riêng ngành hàng bách hóa, nông sản, doanh nghiệp Việt lại có lợi thế, tỷ trọng hàng thương hiệu Việt bán chạy trên 2 sàn thương mại điện tử là Sendo đạt hơn 80%, Tiki đạt hơn 60%.
Hàng có thương hiệu Việt Nam hiện chỉ chiếm 17% lượt tìm mua trên các sàn thương mại điện tử |
Năm 2020, tỉ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1.200 sản phẩm bán chạy chỉ chiếm 20% . Trong đó, Sendo là sàn được người dùng tìm kiếm các sản phẩm thương hiệu Việt nhiều nhất với 25%, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).
Bước sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu trong nước chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua, cho thấy một sự suy giảm rõ so với năm 2020. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%).
Năm 2021, Sendo ghi dấu ấn với các chương trình Gian Hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công Thương và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh lên sàn trong mùa dịch.
Trước đó, lãnh đạo Sendo kỳ vọng, muốn đưa Sendo thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt Nam. Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn thương mại điện tử Sendo cho rằng những con số trên không thể nói rằng hàng Việt đang lép vế bởi hàng ngoại nhập.
"Trên kinh nghiệm, tôi thấy 20% là sát thực tế. Song nếu ai cho rằng hàng Việt lép vế do kém chất lượng, do người tiêu dùng không ủng hộ thì tôi không đồng ý. Hàng Việt không thiếu thương hiệu mạnh, được yêu thích.
Lý do thật là bởi doanh nghiệp Việt chưa quan tâm thương mại điện tử đúng mức, chưa được tư vấn tốt về chuyển đổi số. Chúng tôi đã gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống, đến khi đứt gẫy do Covid-19 mới loay hoay lên sàn.
Trong khi đó, với sự phát triển của bán hàng xuyên biên giới, hàng từ Trung Quốc và các nước khác đang dần chiếm lĩnh thị phần trực tuyến trong nhiều ngành hàng. So với hàng ngoại, hàng Việt trên kênh online đang đi sau 4-5 năm”, Chủ tịch Sendo thông tin.
Theo các chuyên gia, bất chấp những bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường nhiều hứa hẹn cho thương mại điện tử. Giữa tình hình dịch phức tạp, các giao dịch trực tuyến trở thành cầu nối để người dân tiếp cận được các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Nhưng để hàng Việt phổ biến hơn trên các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch chiến lược bài bản để tận dụng tối đa những cơ hội mà thị trường thương mại điện tử mang lại.