Hệ thống FTA hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa, tạo lực đẩy cho hoạt động xuất khẩu
Đây là thông tin được các chuyên gia, diễn giả đưa ra tại Hội nghị “Tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới” diễn ra hôm nay (9/6) tại Bến Tre.
Hội nghị do Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng với Sở Công Thương tỉnh Bến Tre tổ chức. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của 100 đại biểu là Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bến Tre; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội nông dân, phòng kinh tế hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong chuỗi nhiều sự kiện được Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức nhằm triển khai Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới và thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về phổ biến và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do.
Hệ thống FTA hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) (trong đó có 16 FTA đã ký kết và thực thi; 03 FTA đang trong quá trình đàm phán) và là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga...
“Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp; mang sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam chạm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Cùng đó là lượng hàng hóa được ưu đãi thuế quan theo các cam kết trong các FTA ngày càng tăng lên.
Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA đạt 78,3 tỷ USD, chiếm 33,61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 233 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi này là tương đối ổn định, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường.
Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 33,61% cùng với tốc độ tăng trưởng 13,18% cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần phục hồi tại các thị trường có FTA sau 02 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O (C/O mẫu EUR.1 và EUR.1 UK có tỷ lệ sử dụng lần lượt là 25,89% và 23,54%, C/O EAV có tỷ lệ sử dụng 59,44%, C/O mẫu AANZ 39,28%); theo thị trường xuất khẩu (Hàn Quốc 51,02%, Trung Quốc 29,57%, Canada và Mexico lần lượt đạt 13,67% và 30,7%).
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 33,61% không có nghĩa là 66,39% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao.
Một trong những nguyên nhân là thuế nhập khẩu MFN tại một số thị trường như Singapore, Hồng Kông đã là 0% nên hàng hóa không cần phải có C/O ưu đãi mới được hưởng mức thuế 0%.
Hệ thống FTA đang thực thi đã hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa, tạo lực đẩy giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 730 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với 12,4 tỷ USD. Mục tiêu năm 2023, xuất khẩu sẽ chinh phục mốc 393 - 394 tỷ USD.
5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên kim ngạch ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Trong nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong các tháng tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA, tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi.
Hiểu rõ hơn quy tắc xuất xứ
Nội dung Hội nghị “Tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới” diễn ra tại Bến Tre sẽ được chia thành 3 phần chính:
Phần thứ nhất, thông tin về tình hình thị trường, nhu cầu thị hiếu, cơ chế chính sách nhập khẩu của các khu vực thị trường có FTA thế hệ mới. Để tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cần nắm rõ thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu tiêu dùng, cơ chế chính sách nhập khẩu tại các thị trường đặc biệt là các thị trường có FTA từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của các thị trường, lựa chọn thị trường phù hợp với lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững.
Phần thứ hai, cam kết trong FTA thế hệ mới, các ưu đãi thuế quan, cơ hội mang lại cho doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn nữa đồng thời cần lưu ý trong việc tiếp cận, phát triển thị trường từ đó định hướng xuất khẩu bền vững, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Bến Tre.
Phần thứ ba, quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, UKVFTA và CPTPP. Xuất xứ hàng hóa là phần quan trọng trong hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA.
Hội nghị “Tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới” được tổ chức tại Bến Tre |
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn chưa hiểu rõ vấn đề về xuất xứ hàng hóa cũng như quy tắc xuất xứ tại các hiệp định thương mại tự do. Nội dung này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quy tắc xuất xứ và để được hưởng ưu đãi thuế quan trong FTA, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa, đồng thời, phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn ngừa chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, nội dung được chia sẻ, thảo luận tại Hội nghị là những thông tin hữu ích giúp cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế rủi ro từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung và Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới nói riêng.
Đồng thời cập nhật thông tin thị trường và các cơ chế, chính sách nhập khẩu của các nước trong khu vực thị trường châu Á - châu Phi và thị trường châu Âu - châu Mỹ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đề nghị Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức các Hội nghị chuyên đề liên quan hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng hiệu quản các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do mang lại, đồng thời đề xuất Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre hỗ trợ các giải pháp xúc tiến thương mại thị trường quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cũng như thông tin, quy định đối với các thị trường xuất khẩu mà nông thuỷ sản tỉnh Bến Tre có tiềm năng mở rộng thị trường.