Các ngành hàng vẫn gặp khó về thị trường xuất khẩu
Bộ Công Thương mới đây cho biết, với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 5 phục hồi tích cực, tăng khá so với tháng trước nhưng giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%; nhập khẩu giảm 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ |
Về xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 5, hoạt động xuất khẩu hàng hóa phục hồi tích cực với kim ngạch ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,79 tỷ USD, tăng 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,26 tỷ USD, tăng 5,5%.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên kim ngạch ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hoá xuất khẩu giảm cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 5 tháng đầu năm nay.
Trong đó, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Chè giảm 7,9%, hạt điều giảm 1,5%, hạt tiêu giảm 34,3%, cao su giảm 21,1%, phân bón giảm 35,2%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,4%… Chỉ có một số ít mặt hàng có giá xuất khẩu tăng như: gạo tăng 7,9%, cà phê tăng tăng 3,5%, than đá tăng 38,5%...
Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.Ngược lại, có 26/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu, đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng gần 2 lần so với tháng trước, ước đạt 500 triệu USD; gạo tăng 53,1%, đạt 530 triệu USD; cà phê tăng 28,5%, đạt 418 triệu USD… Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm 23,9% so với tháng trước, ước đạt 800 triệu USD.
Cũng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 5 tiếp tục giảm (ước đạt 115,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ) do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh.
Trong tháng 5, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu |
Đặc biệt, trong tháng 5, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm với các mức độ tác động khác nhau.
Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... với thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.
Bên cạnh đó, một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. “Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu... cũng tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu”, Bộ Công Thương đánh giá.
Trong các thị trường xuất khẩu chủ lực, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 khi chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Bộ Công Thương cho rằng, việc FED duy trì tăng lãi suất trong thời gian dài đã đạt được những kết quả nhất định trong ứng phó với lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng có dấu hiệu giảm tốc và được dự báo có thể tiếp tục suy yếu hơn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, cắt giảm lao động và cảnh báo về suy thoái kinh tế gần đây; tỷ lệ tiết kiệm đã tăng cao hơn, dấu hiệu cho thấy người dân có thể đang ngày càng thận trọng hơn trong tiêu dùng... đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Do vậy, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này đối với hàng hóa của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ, ước đạt 37 tỷ USD, giảm 19,5% (trong 4 tháng đầu năm giảm 21% so với cùng kỳ).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, mặc dù thị trường này đã mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023 song kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi nhanh, đối diện với nhiều khó khăn khi xuất khẩu giảm tốc do nhu cầu toàn cầu suy giảm. Thêm vào đó, lĩnh vực bất động sản là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn gặp khó khăn; tình trạng thất nghiệp đã tác động trực tiếp tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân Trung Quốc...; cùng với yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng hoá... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khó khăn đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này. Do đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 19,8 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ (trong 4 tháng đầu năm giảm 7,9% so với cùng kỳ).
Sự suy giảm xuất khẩu sang EU đã có dấu hiệu chững lại khi tại nhiều nền kinh tế lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 giảm (tỷ lệ lạm phát trong tháng 5/2023 của Đức chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ; Pháp giảm còn 5,1% so với mức tăng 5,9% của tháng trước đó; Tây Ban Nha giảm còn 3,2%; Italy giảm còn 7,6%...). Do vậy, xuất khẩu sang thị trường EU 5 tháng ước đạt 18,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ (4 tháng đầu năm giảm 14,1%).
Xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tiếp tục giảm như: thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, giảm 5,1%; Hàn Quốc đạt 9,5 tỷ USD, giảm 7,1%; Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 0,4%.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của nước ta. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2023 có 24 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,6%).