Hơn 20 doanh nghiệp được tập huấn, hướng dẫn đăng ký hợp đồng điện tử
Ngày 14/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn thủ tục xin Giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho hơn 20 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp, dịch vụ phần mềm.
Hội nghị nhằm đẩy mạnh triển khai giải pháp hợp đồng điện tử tại các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia. Từ đó góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.
Hơn 20 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp, dịch vụ phần mềm được hướng dẫn chứng thực hợp đồng điện tử |
Theo quy định tại Điều 63, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử của Chính phủ, để doanh nghiệp được hoạt động trong lĩnh vực Chứng thực hợp đồng điện tử cần phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ. Do vậy, tại buổi tập huấn này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tập trung vào hướng dẫn các doanh nghiệp những thủ tục, hồ sơ cần thiết để được cấp Giấy phép hoạt động cung cấp chứng thực hợp đồng điện tử.
Hiện nay Chính phủ đang xây dựng mục tiêu số hóa các lĩnh vực trọng điểm tạo nền tảng để hình thành quốc gia số tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời cũng thúc đẩy và khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp phát triển theo định hướng này. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vừa qua cũng là bước ngoặt để các doanh nghiệp mạnh dạn triển khai các kế hoạch về công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường theo đúng định hướng của Chính phủ.
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành làm việc với các doanh nghiệp khảo sát hệ thống hợp đồng điện tử tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia.
Mục tiêu nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp kỹ thuật. Cục cũng đã gửi các tài liệu hướng dẫn, tài liệu tích hợp đến các doanh nghiệp, liên tục hỗ trợ giải đáp thắc mắc, các vấn đề gặp phải khi kết nối hệ thống. Đến nay các đơn vị đang tiến hành kết nối kỹ thuật, trong đó đã có nhiều đơn vị đã tích hợp hoàn thiện.
Ngoài ra, ngay sau khi Thông tư 01/2022/TT-BCT có hiệu lực ngày 8/3/2022, Cục đã và đang tiếp tục triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp về hồ sơ mẫu để cấp đăng ký theo quy định.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu để hoàn tất các quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả và giảm thiểu được việc lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp.
Chính vì vậy, trách nhiệm giờ đây của doanh nghiệp khi tham gia là phải xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam như thế nào để đảm bảo được tối đa tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực.
Tại Hội nghị, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã giải thích rõ những thông tin chi tiết về các điều khoản triển khai, các biện pháp, quy trình nghiệp vụ lưu trữ, bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu của chứng từ điện tử, Hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử của doanh nghiệp.
Phương án định danh và chứng thực điện tử của các bên liên quan đến hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật. Và Phương án, quy trình tra cứu hợp đồng điện tử đã được chứng thực trên hệ thống.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được hướng dẫn các phương án bảo mật hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, bảo mật an toàn thông tin khách hàng; Biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp sự cố trong quá trình cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử và quy trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại giữa các bên liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử…