Hơn 600 công chức Quản lý thị trường tham dự tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước và văn thư lưu trữ
Hội nghị sẽ diễn ra trong vòng 02 ngày 18-19/10/2021.
PGS.TS. Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư lưu trữ Việt Nam |
Tham gia giảng dạy, trao đổi tại Hội nghị tập huấn là PGS.TS. Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư lưu trữ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng một tồn tại đang diễn ra đối với công tác văn thư lưu trữ hiện nay trong lực lượng Quản lý thị trường đó là chưa thống nhất trong thể thức, trình bày, soạn thảo văn bản trong toàn lực lượng. Mỗi đơn vị trình bày theo một định dạng khác nhau. Không nhất quán. Nhiều khi sai sót về thể thức, cách soạn thảo văn bản. Là một tổ chức lớn, với rất nhiều văn bản cần lưu trữ, tìm kiếm, trích xuất, truy xuất trong quá trình làm việc, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng các đơn vị cần có ý thức cao trong việc sắp xếp, quản lý, xây dựng quy trình hệ thống lưu trữ văn bản tốt.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu khai mạc tại điểm cầu Tổng cục |
“Muốn hướng đến chuyên nghiệp phải chỉn chu từ cái nhỏ nhất, từ thể thức, lưu trữ, bảo vệ văn bản đến phù hiệu, cờ hiệu cần chuẩn hóa” Tổng Cục trưởng nói.
Tại Tổng cục QLTT, công tác số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai bắt đầu từ khi thành lập. Trong lộ trình năm 2021, Tổng cục QLTT tiếp tục số hóa hệ thống lưu trữ tích hợp vào hệ thống văn bản điện tử, từ đó dễ dàng lưu trữ, tìm kiếm và quản lý một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT - Thân Đức Công (bìa trái) |
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh tra kiểm tra - Ngô Văn Phong (bìa phải) |
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính - Nguyễn Quang Huy... tham gia buổi tập huấn |
Song song với công tác văn thư lưu trữ, công tác bảo vệ bí mật nhà nước cũng là một trong những nhiệm vụ cốt lõi cần được quan tâm, triển khai. Thực tế cho thấy, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đã bị liên lụy thậm chí truy tố pháp luật bởi tiết lộ các văn bản thuộc diện bí mật nhà nước. “Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định Quy định các loại văn bản thuộc dạng bí mật nhà nước, không được công bố rộng rãi”.
“Ngành chúng ta văn bản mật rất nhiều, từ hồ sơ kiểm tra, kiểm soát đang trong quá trình kiểm tra đều là văn bản mật. Trong quá trình trao đổi tài liệu, công văn đi, đến, văn bản mật rất nhiều. Quy định bảo vệ bí mật nhà nước rất phức tạp do vậy cần được trao đổi tập huấn với nhau để hiểu rõ hơn về công tác này” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Chương trình tập huấn diễn ra theo hình thức trực tuyến, hơn 600 công chức ở 63 điểm cầu tham dự chương trình
Một thực tế đang diễn ra hiện nay đó là hiện tượng dùng điện thoại, thiết bị di động thông minh để chụp, ghi lại và phát tán. “Hiện tượng chụp văn bản mật, nhắn tin gửi cho nhau rất phổ biến. Tất cả những việc đó đều vi phạm pháp luật. Một khi những tài liệu này sử dụng internet để phát tán thì đều được ghi lại trên hệ thống của cơ quan giám sát và khó có thể giấu được” Tổng Cục trưởng nói. Chính vì vây, việc tập huấn sẽ giúp cho các bộ phận phụ trách công tác trên tránh sai sót trong quá trình thực hiện.
Nhận thấy sự thiết thực và quan trọng của công tác văn thư lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước, Tổng Cục trưởng đề nghị các đồng chí tham dự tập huấn một cách nghiêm túc. “Sau tập huấn sẽ phải triển khai, chuẩn hóa thể thức văn bản, hệ thống văn thư lưu trữ trong toàn lực lượng một cách bài bản, đúng quy định”.
Tổng Cục trưởng cũng đề nghị các đơn vị tham gia ý kiến trình bày thực tế hiện trạng triển khai công tác văn thư lưu trữ và bảo vệ bí mật nhà nước tại đơn vị, những vướng mắc còn tồn tại, đặc biệt tại các Cục QLTT có lượng văn bản lớn như Hà Nội, TPHCM, Lạng Sơn… để giảng viên nắm được kỹ hơn thực trạng từ đó góp ý cách triển khai mang lại hiệu quả hơn.