Kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh khu vực Đông Bắc Ấn Độ là cửa ngõ để kết nối Ấn Độ với các nước ASEAN. Chính phủ Ấn Độ đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường bộ đầu tiên xuất phát từ Đông Bắc Ấn Độ qua Myanmar, Thái Lan rồi mở rộng đến Cambodia, Lào và Việt Nam. Đông Bắc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về con người, ẩm thực, phong tục tập quán và văn hóa.
Khu vực này có đường biên giới dài 5300 Km tiếp giáp với Nepal, Bhutan, Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar, do vậy, khu vực này nhận được nhiều chính sách ưu đãi nhất của Chính phủ Ấn Độ với hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện.
Theo ông Harpreet Singh, Vụ trưởng, Bộ Phát triển vùng Đông Bắc Ấn Độ, khu vực Đông Bắc Ấn có trên 60% diện tích được bao phủ bởi rừng, có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tre trúc, thủ công mỹ nghệ. Khu vực này có 17 cảng hàng không, hệ thống đường sông, biển thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Đây là những động lực cho tăng trưởng kinh tế và kết nối khu vực. Ông cũng đưa ra các gợi ý những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, trao đổi nhân lực. Chi phí vận tải logistic tại Ấn Độ đang giảm, do đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này.
Giám đốc điều hành, Tổng Công ty Phát triển Thủ công mỹ nghệ và Dệt Đông Bắc - ông R. K. Singh cho biết: khu vực Đông Bắc Ấn Độ có khoảng 2,16 triệu thợ dệt, chiếm một nửa lực lượng lao động dệt thủ công toàn quốc. Hầu hết hộ dệt vải trong khu vực phụ thuộc vào thị trường địa phương và hơn 70% thợ dệt làm việc bán thời gian, chủ yếu là phụ nữ, dẫn đến năng suất thấp. Ngoài ra, khu vực Đông Bắc còn có 887 nghìn nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, chiếm 18,63% tổng số nghệ nhân cả nước, với các nghề thủ công quan trọng như đồ nội thất bằng mây và tre, dệt chiếu, giỏ, đồ trang sức của các bộ lạc, công việc bằng đá và đất nung.
Ông Singh cũng đề xuất một số lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, bao gồm thành lập các đơn vị nhuộm, hoàn thiện và trung tâm nguyên liệu thô, tập trung vào lĩnh vực trang sức và việc cung cấp tài liệu phù hợp về nghề thủ công và dệt ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ Đặng Việt Phương đã trao đổi tiềm năng kinh tế của tỉnh Phú Thọ và khả năng hợp tác với Ấn Độ, trong đó có phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản và lĩnh vực chế biến chè xuất khẩu. Với diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, Phú Thọ đang tận dụng lợi thế này để phát triển công nghiệp chế biến chè.
Ông Phương mong muốn sự quan tâm và nghiên cứu từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ về việc hợp tác đầu tư sản xuất chè, chuyển giao công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị sản phẩm chè. Đặc biệt, ông hy vọng trong tương lai gần sẽ có kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm chè của Phú Thọ.
Theo bà Nguyễn Thị Tòng, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuật, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có gần 6.000 làng nghề và làng có nghề, sản xuất hơn 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau. Nhiều sản phẩm trong số này có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm. Các làng nghề cũng đã cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh và áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và mở rộng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, không chỉ trong nước.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ đã tổng kết Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam có những nét tương đồng về con người, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu phù hợp cho sản xuất và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, do đó hai bên có thể tìm hiểu sâu hơn các cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ và du lịch.
Khu vực Đông Bắc Ấn Độ gồm 8 bang có vị trí chiến lược, là cầu nối đường bộ giữa trung tâm Ấn Độ và các nước ASEAN, tiếp giáp với Nepal, Bhutan, Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar với 5.300km đường biên giới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, khu vực Đông Bắc Ấn Độ là khu vực được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhất của Chính phủ Ấn Độ, có hệ thống hạ tầng dần được hoàn thiện. Khu vực này chiến 7% diện tích với 37% dân số Ấn Độ, khoảng 500 triệu người, với nhiều phong tục, tập quán, thói quen, thị hiếu tương tự người Đông Nam Á.
Các ngành kinh tế chủ chốt tại khu vực gồm: nông nghiệp, dệt may và thủ công mỹ nghệ, y tế, công nghệ thông tin, du lịch. Khu vực Đông Bắc là trung tâm sản xuất chè của Ấn Độ với sản lượng chiến 50% lượng chè sản xuất tại Ấn Độ và bằng khoảng 1/6 lượng chè của cả thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam- Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD tăng 13,6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8% so với 6,28 tỷ USD năm 2021. Điện thoại các loại và linh kiện có giá trị cao nhất với 1,52 tỷ USD, tăng 18,4% so với 1,29 tỷ USD trong năm 2021. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,03 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Việt Nam và Ấn Độ đang có sự tăng trưởng trong thương mại nông-lâm-thủy sản. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ các sản phẩm như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, cao su, gỗ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ xuất khẩu các sản phẩm như thủy sản, rau quả, lúa mỳ, ngô, dầu mỡ động thực vật và cao su sang Việt Nam. Trong thương mại nông-lâm-thủy sản, Việt Nam hiện đang nhập siêu từ Ấn Độ, với tổng giá trị nhập siêu là 473,8 triệu USD năm 2021 và 687,73 triệu USD năm 2022. |