Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Ra mắt Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, qua 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
“Không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, hải đảo, mà thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững. Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc, … đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định và cho biết thêm, chúng ta đã tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại miền núi và hải đảo.
Diễn đàn được chia thành 2 phiên thảo luận chuyên sâu về Bài học từ thực tiễn và Vai trò hỗ trợ của chính sách. Đây là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương, đặc biệt là các giải pháp khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương Việt Nam để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Thảo luận tại Diễn đàn |
Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã chia sẻ những kinh nghiệm, truyền cảm hứng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Đại diện các doanh nghiệp phân phối lớn cũng chỉ ra những điểm vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo khi đưa hàng hóa đặc sản của Việt Nam thành hàng hóa thế mạnh và tham gia xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử toàn cầu. Đồng thời, thống nhất nhận định, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới, với những nội dung, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước.
Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan và các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hảo đảo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể:
Thứ nhất, giao cho các đơn vị tham mưu thuộc Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Thứ hai, nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Thứ ba, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới.
Thứ tư, phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các kênh phân phối trên thị trường cả nước.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Thứ sáu, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.
Cuối cùng, các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình.