Lạng Sơn: Các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh sẽ được thông quan nhanh
Phó Thủ tướng chỉ đạo gấp rút xử lý ùn tắc nông sản ở Lạng Sơn Bộ Công Thương lên tiếng về xe hàng ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc Khuyến cáo doanh nghiệp chủ động điều tiết lượng hàng lên biên giới |
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, để kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, bảo đảm công khai, minh bạch theo thứ tự, xe đến trước được xuất trước. Đồng thời, cơ quan Hải quan cửa khẩu sẽ ưu tiên làm thủ tục thông quan các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh như dưa hấu, mít, xoài.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến hết ngày 20/12, số lượng hàng hóa còn tồn đọng chờ làm thủ tục xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma vẫn ở mức khá cao- trên 5.000 xe. Trong đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn trên 1.400 xe container với các loại hàng chủ yếu như mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử.
Các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh sẽ được thông quan nhanh |
Tại cửa khẩu Tân Thanh tồn gần 3.000 xe, với các mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài được vận chuyển từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Định ra. Còn tại cửa khẩu Chi Ma hiện vẫn tồn trên 750 xe.
Và thời điểm hiện tại (ngày 21/12) chỉ còn duy nhất cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thông quan nên hàng hóa xuất khẩu trong thời gian tới tiếp tục gặp không ít khó khăn. Theo đó, số lượng thông quan xe mỗi ngày hiện giữ ở mức 90-100 xe, bằng khoảng một phần năm so với công suất trước đây.
Ông Hồ Tiến Thiệu phản ánh, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng ùn ứ là do lượng phương tiện chở hàng hóa lên các cửa khẩu vượt quá khả năng thông quan ở thời điểm hiện tại. Mặc dù tỉnh đã khuyến cáo tới những tỉnh, thành có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn về tình hình và thực trạng quá tải tại các cửa khẩu nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết hàng hóa xuất khẩu đưa lên biên giới.
Trong khi đó, lượng phương tiện ùn ứ lớn tại các cửa khẩu gây áp lực rất lớn trong công tác quản lý điều hành của tỉnh về bố trí sinh hoạt cho lái xe và người đi cùng, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, công tác phòng chống dịch, ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.
Về giải pháp trước mắt, ngoài việc tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, ưu tiên làm thủ tục thông quan các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại cửa khẩu, đặc biệt ưu tiên thông quan các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn cũng đã huy động nguồn nhân lực, vật lực rất lớn để đảm bảo công tác quản lý đối với người, phương tiện chở hàng hóa tồn chờ xuất khẩu; bố trí các khu vực dừng đỗ dành riêng cho các phương tiện chờ xuất qua từng khu vực cửa khẩu để chia nhỏ số lượng phương tiện chờ xuất, sau đó điều tiết dần vào khu vực cửa khẩu với số lượng phù hợp. Các cửa khẩu chỉ cho phép 1 lái xe sinh hoạt trên xe để vận hành xe, bảo vệ hàng hóa, người đi cùng phải vào khu sinh hoạt tập trung.
Về giải pháp lâu dài, tỉnh Lạng Sơn cho rằng, các địa phương trong nước tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển đến an toàn dịch bệnh.
Các bộ, ngành cần triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn, cũng như định hướng, khuyến cáo kịp thời cho người nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến đến vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu.