Lo ngại người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho hàng giả qua thương mại điện tử
Đây là những chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê trong buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” do Tạp chí Hải quan tổ chức mới đây.
Hàng hiệu vài trăm ngàn nhan nhản trên sàn điện tử
Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê cho biết, đại dịch Covid-19 như một chiếc lò xo giúp thương mại điện tử bật xa hơn so với dự kiến. Nhu cầu mua hàng hóa online tăng cao kéo theo số lượng người bán tham gia kênh này cũng bùng nổ.
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để thu lợi bất chính bằng cách kinh doanh, buôn bán hàng hóa giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
"Các đối tượng buôn lậu thường tìm địa điểm hẻm hóc, ngõ nhỏ để cất giấu hàng hóa. Thậm chí, nhiều gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn cũng chào bán hàng kém chất lượng, hàng giả mạo", ông Nguyễn Đức Lê cho biết.
Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê lo ngại, tình trạng người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính, trục lợi từ thương mại điện tử |
Đặc biệt, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê còn cho rằng, nhận thức của người dân là điều đáng lo ngaị nhất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua thương mại điện tử.
Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cũng tuyên truyền cho người dân, người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về loại hình kinh doanh này.
“80% người tiêu dùng khi mua hàng biết đó là hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như LV, Chanel… có giá thành từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, nhưng khi đặt mua trên thương mại điện tử, giá chỉ vài trăm nghìn đồng”, ông Nguyễn Đức Lê thông tin và chỉ rõ, sản phẩm đó không thể là hàng chính hãng nhưng vì nhu cầu làm đẹp, nhu cầu “thích thể hiện”, người tiêu dùng vẫn chấp nhận.
Do vậy, lãnh đạo Tổng cục QLTT nhận định, người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền.
Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hiện nay hàng hóa giả mạo xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.
“Đáng nói các mặt hàng này khó phát hiện, không có địa chỉ cụ thể, gây thiệt hại lớn về uy tín của doanh nghiệp", bà nói và dẫn ví dụ vụ làm giả bao bì của Công ty Vinamit trên mạng xã hội gần đây.
"Theo tôi, hiện nay chi tiêu người tiêu dùng bị giảm, nên họ chấp nhận mua hàng giả. Chính điều này sẽ dần dần “giết chết” các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời “giết chết” ngành sản xuất trong nước", bà Vũ Kim Hạnh nhận định.
Chống hàng giả - cần sự phối hợp đồng bộ
Để dẹp nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường truyền thống lẫn thương mại điện tử, từ lâu, lực lượng QLTT cả nước đã có nhiều biện pháp đấu tranh đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm chức năng…
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục QLTT ban hành Kế hoạch số 888 về đấu tranh chống hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
Thực tế triển khai Kế hoạch, lực lượng QLTT phát hiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thời gian qua chủ yếu là vật tư, thiết bị y tế (gồm khẩu trang, thuốc đặc trị Covid-19, máy tạo oxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng. Trong đó, vi phạm nhiều nhất vẫn là khẩu trang y tế.
Để công tác phòng, chống hàng giả đạt hiệu quả hơn nữa, lực lượng QLTT cần phối hợp tốt hơn công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua hệ thống thương mại điện tử |
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Nguyễn Đức Lê nhận định, trong thời gian tới, việc tổ chức, cá nhân lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Do vậy, trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tập trung rà soát các chính sách pháp luật để kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tránh gân chồng chéo, tạo kẽ hở pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các quy định liên quan đến xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình, nhận diện phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gia lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả.
Chủ động xây dựng các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống gian lận trên môi trường mạng.
Mặt khác, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng tiêu thụ trong nội địa, nhất là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế…
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua các hình thức đa dạng, thiết thực như thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng…
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những cán bộ có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.