Logistics xanh - Nền tảng phát triển bền vững
Triển lãm có quy mô dự kiến 480 gian hàng từ 350 doanh nghiệp ngành logistics và liên quan.
Các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý dẫn dự báo mới nhất của Standard Chartered, rằng Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%.
Vilog lần thứ 2 sẽ tổ chức tại TP.HCM đầu tháng 8 tới. |
Trong quá trình phát triển ấy, ngành logistics có vai trò quan trọng, không chỉ với thương mại truyền thống, mà còn đang gắn với sự bùng nổ của thương mại điện tử. Như năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với 2022.
Tại sự kiện, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng. Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam nằm trong Top 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh với nhiều xu thế mới, ngành logistics thực sự cần có những thay đổi về “chất” để trụ vững. Xanh hóa chính là sự thay đổi ấy, gắn với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.
Thống kê vào năm 2022 cho thấy 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định trong thực tế vẫn đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại của Chính phủ Việt Nam mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh.
Cũng theo ông Khoa, trong bối cảnh hiện nay nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.
Ông Khoa nhấn mạnh việc xanh hóa ngành logistics đương nhiên sẽ tiêu tốn chi phí của doanh nghiệp, tuy nhiên, doanh nghiệp không nên nhìn nhận đó là chi phí mà nên coi đó như những khoản đầu tư cần phải có để đảm bảo cho tương lai cạnh tranh được trong chuỗi ngành logistics toàn cầu.