Mạnh tay xử lý các thuê bao sở hữu nhiều SIM điện thoại
* Điện thoại 2G không hợp chuẩn bị chặn hòa mạng từ hôm nay 1/3
* Người Việt dành hơn 2 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của mình vào Cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ. Bộ chỉ đạo các nhà mạng khóa hai chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an có các biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm có liên quan.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, hiện, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành đối soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của 125 triệu thuê bao đang hoạt động với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Trong đó, 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu và 10 triệu thuê bao thuộc tập đứng tên từ 10 SIM trở lên trên 1 giấy tờ đã bị xử lý. Trên cơ sở đó, trong năm 2024, các doanh nghiệp, nhà mạng viễn thông tập trung xử lý, tiến hành chuẩn hóa với các thuê bao đang sở hữu, đứng tên nhiều SIM (≥ 4 SIM/giấy tờ). Cụ thể, trong tháng 3/2024, các doanh nghiệp viễn thông đã và đang triển khai xử lý tập 8 SIM/giấy tờ, đồng thời bổ sung điều kiện xác thực OTP với thuê bao phát triển mới từ SIM thứ 2 trở đi.
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp như: Kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, xử lý SIM có thông tin không đúng quy định. Mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Khoảng 5.400 thuê bao 2G-Only không hợp chuẩn sẽ bị chặn
Trong họp báo cung cấp thông tin tháng 3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định: tắt sóng 2G là xu thế tất yếu.
Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam còn 15 triệu thuê bao 2G. Từ ngày 1/3/2024, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng không cho phép nhập mạng mới với điện thoại 2G-Only. Theo đó, các nhà mạng không cho phép nhập mạng mới với điện thoại 2G-Only, không thuộc danh sách chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Hiện, các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng kế hoạch dừng thuê bao 2G. Theo đó, số lượng thuê bao 2G đang giảm dần. Theo thống kê, trong vòng 3 ngày (từ 1/3-3/3), 5.400 máy thuê bao 2G-Only không hợp chuẩn đã không được vào mạng.
Về việc tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tuyên truyền các chính sách của thông tư số: 43/2020/TT-BTTTT về các thiết bị đầu cuối 2G sẽ không được hòa mạng. Những thiết bị di động phím bấm được hỗ trợ 4G chỉ sử dụng nghe - gọi vẫn sẽ vẫn hoạt động. Hiện, Cục Viễn thông cùng các doanh nghiệp, nhà mạng đang tiến hàng rà soát lại thực trạng các giải pháp dừng 2G, chuyển đổi 2G sang 4G, hỗ trợ người dân chuyển đổi thiết bị. Việc chuyển điện thoại 2G sang điện thoại thông minh để sử dụng những tính năng hiện đại của điện thoại thông minh, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và các nhu cầu kết nối mạng, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.
Về vấn đề thương mại hóa 5G, đại diện Cục Viễn thông cho biết, mạng 5G đã được các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam thử nghiệm trong nhiều năm.
Theo xu hướng, doanh thu của dịch vụ viễn thông truyền thống ngày càng giảm, các dịch vụ khai thác nội dung trên trực tuyến mạng internet (OTT) dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp thay thế đang đi lên phục vụ về nhu cầu, chất lượng của người dùng. Với những ưu thế về lưu lượng lớn, độ trễ thấp của mạng 5G là cơ hội để các nhà mạng triển khai mạng tại nhiều những khu công nghiệp, khu đông dân cư - những nơi lưu lượng 4G không đáp ứng được nhu cầu của người dùng.