Người dùng ưu tiên gian hàng Việt trên thương mại điện tử
Các nền tảng thương mại điện tử phổ biến hiện nay tại Việt Nam đều có gian hàng của các nhà bán nước ngoài bên cạnh các gian hàng nội địa. Trong lễ hội mua sắm 12/12 mới đây, đại diện Shopee cho hay, số lượng người mua hàng của các nhà bán nội địa chiếm đa số. Điều này một phần do nền tảng này có chính sách đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa địa phương.
Cũng theo theo thống kê của sàn giao dịch này, trong lễ hội mua sắm lớn cuối cùng của năm, cứ mỗi 10 người dùng thì có 9 người chọn mua sắm từ các nhà bán hàng địa phương.
Cụ thể, có 3 nhà bán hàng được ủng hộ nhiều nhất: Coolmate (Thời trang - Nhà bán hàng được nhiều người mua nhất), Mật ong HoneyLand (Bách hóa - Nhà bán hàng có lượt xem livestream nhiều nhất) và Heyday Cacao (Bách hóa - Nhà bán hàng có nhiều lượt xem Shopee Feed nhất).
Thống kê của sàn giao dịch Shopee cho thấy, trong lễ hội mua sắm lớn cuối cùng của năm, cứ mỗi 10 người dùng thì có 9 người chọn mua sắm từ các nhà bán hàng địa phương |
Trong năm 2021, nhiều nhà bán hàng và người dùng sinh sống bên ngoài khu vực đô thị lớn đã tham gia sử dụng Shopee. Những nhà bán hàng thuộc các thành phố này đã được hỗ trợ tăng cường hiển thị và tiếp cận nhiều người dùng hơn trong ngày 12/12, ghi nhận mức tăng trưởng gấp 11 lần về số lượng đơn hàng so với mức trung bình của ngày thường.
Trong số đó, hai tỉnh Nam Định và Nghệ An có số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất vào ngày 12/12 năm nay. Người dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vẫn chiếm đa số trong đợt mua sắm vừa qua.
Trong đó, các ngành hàng bán chạy có nhà cửa & đời sống, sức khỏe & sắc đẹp, điện thoại & phụ kiện. Những thương hiệu được ưa chuộng nhất thuộc đa dạng các ngành hàng, bao gồm Samsung, Abbott, La Roche-Posay, Lock&Lock, và Unilever.
Không những vậy, trong đợt khuyến mãi cuối năm này, người dùng cũng có xu hướng thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Có 2 triệu lượt nạp tiền vào ví ShopeePay trong dịp 12/12, số lượng mã khuyến mại của ví này được sử dụng trong ngày 12/12 nhiều hơn gấp 10 lần so với trung bình ngày thường.
Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” bắt đầu được Bộ Công Thương triển khai hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart). Từ tháng 12/2020 cho tới nay, cùng các sàn thương mại điện tử đã tổ chức hàng chục chương trình kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai...
Mới đây nhất, chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã thành công vang dội. Chỉ sau gần 10 ngày chạy chương trình trên sàn thương mại điện tử Voso và “Gian hàng Việt trực tuyến”, đã có gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu được tiêu thụ, và ước tính đến hết tháng 5, lượng hành tím được tiêu thụ qua hai kênh kể trên đã lên tới gần 150 tấn.
Thành công trên sàn thương mại điện tử, tạo dấu ấn trên mạng xã hội, cũng đồng nghĩa với việc, uy tín, độ tin cậy của nông sản Việt Nam đã tốt hơn ở thị trường truyền thống.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương, sản phẩm mang thương hiệu Việt trong đó có rất nhiều mặt hàng nông sản đang chiếm tỉ lệ cao, trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước.
Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60 - 96%.