Nhiều thủ đoạn dùng xe “luồng xanh" vận chuyển thuốc lá lậu
Xe "luồng xanh" - phương tiện lý tưởng chở thuốc lá lậu
Trên tuyến đường biên, những năm gần đây, mặc dù các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên Phòng, Công an, Hải quan... đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống buôn lậu qua biên giới nhưng tại một số điểm nóng trên tuyến biên giới từ tỉnh Tây Ninh đến Kiên Giang, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để tuồn hàng lậu vào Việt Nam, nhất là thuốc lá.
Đơn cử như mới đây, lực lượng Biên Phòng và Hải Quan cửa khẩu Quốc Tế Mộc Bài đã phát hiện, tạm giữ xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 51C-768.14 do tài xế Lê Đức Thuận trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai điều khiển. Nguyên nhân là bởi trên xe chở tới 10.000 bao thuốc lá nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam.
Điều đang nói, chiếc xe đầu kéo đã được niêm phong để phòng chống dịch và được phép qua lại biên giới theo luồng nhập cảnh dành cho phương tiện vận chuyển hàng hoá.
Dọc tuyến biên giới đường bộ, hầu như ngày nào lực lượng chức năng cũng bắt giữ những vụ vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới, với đủ cách ngụy trang khác nhau như giấu trong bao cỏ, thậm chí giấu trong cả những ống nhựa… để kéo qua biên giới, đưa vào nội địa.
Còn trong nội địa, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu đang có dấu hiệu gia tăng, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, lợi dịch bệnh Covid-19, nhiều lái xe thường xuyên và liên tục sử dụng xe vận tải “luồng xanh” để vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu.
Vụ vận chuyển 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu trên xe "luồng xanh" tại Gia Lai |
Điển hình, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngày 13/10, Đội QLTT số 4 - Cục QLTT Gia Lai phối hợp với lực lượng Công an tỉnh tiến hành khám xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát số 82C-054.85 có gắn mã QR code, giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh”.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện, thùng xe được ngụy trang bởi các thùng giấy carton, xen lẫn những thùng mủ cao su đã qua chế biến có chứa 2.000 bao thuốc lá điếu hiệu 555, xuất xứ nước ngoài, do ông Vũ Đình Tú (thường trú tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) điều khiển, di chuyển từ Kon Tum đến Bình Dương. Toàn bộ số thuốc lá trên trong các bao thuốc lá không có tem nhập khẩu nhập khẩu thuốc lá theo quy định. Tài xế không cung cấp được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ và ngày 14/10, Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự đến Công an huyện Chư Pưh để điều tra về hành vi vận chuyển 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu.
Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, trong hai ngày 13 và 16/9, lực lượng QLTT TP đã phát hiện 3 xe khách ngụy trang chở lương thực thực phẩm để buôn lậu thuốc lá lậu. Tổng số thuốc lá lậu trên ba xe hàng là 3.290 bao thuốc lá các loại. Để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, các chủ xe đã cất giấu thuốc lá trong thùng carton và bao nylon, giấu lẫn trong hàng hóa thiết yếu rau, củ, quả.
Cả ba xe hàng này đề chạy hướng từ Tây Ninh về TP. Hồ Chí Minh và là xe luồng xanh, chở thực phẩm thiết yếu rau, củ, quả, trước xe có ghi dòng chữ “Xe chở thực phẩm hỗ trợ”. Hiện, Cục QLTT TP đã tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Long An là địa bàn nóng về nạn buôn lậu thuốc lá. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã phát hiện, thu giữ khoảng 1,5 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu |
Long An là điểm buôn lậu thuốc lá hết sức phức tạp. Theo Cục QLTT tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã phát hiện, thu giữ khoảng 1,5 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Chỉ tính riêng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển thuốc lá lậu với con số lên đến hàng trăm nghìn gói các loại. Phương tiện mà các đối tượng dùng để vận chuyển thuốc lá lậu bị tạm giữ lên đến 100 ô tô và 260 xe gắn máy.
Ông Phạm Đức Chinh - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Long An cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc buôn lậu thuốc lá gia tăng là do thời gian qua Long An thực hiện siết chặt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, một số dịch vụ, sản xuất phải dừng hoạt động. Do vậy, nguồn thuốc lá khan hiếm, thuốc lá ngoại nhập giữa Việt Nam và Campuchia có mức chênh lệch cao, nên bất chấp thủ đoạn, các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách để hoạt động.
“Theo quy định đối với việc xử lý buôn bán thuốc lá lậu, các đối tượng vận chuyển từ 1.500 gói thuốc lá lậu mới bị khởi tố, vì vậy các đối tượng thường tìm cách né bằng việc vận chuyển số thuốc lá dưới mức quy định. Phương tiện dùng để chuyên chở thuốc lá chủ yếu là thuê, mượn, nên khó bị xử lý”, Cục trưởng Phạm Đức Chinh tiết lộ.
Thu hồi "luồng xanh" đối với phương tiện chở hàng lậu
Xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, do vậy, trong những tháng cuối năm, Tổng cục QLTT tiếp tục chỉ đạo Cục QLTT các địa phương đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này.
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Song song với đó, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.
Mặt khác, tăng cường phối hợp lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, chú trọng địa bàn trên các tuyến trọng điểm, tuyến biên giới như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá: nhà hàng, quán bar, cửa hàng tạp hóa, điểm bán lẻ. Nắm thông tin các điểm nóng, kho chứa trữ, đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn.
Lực lượng chức năng kiến nghị, xe thu hồi mã QR code vận tải "luồng xanh" đối với phương tiện chở hàng lậu, chở hàng không đúng quy định |
Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng xe "luồng xanh" để chở hàng lậu, hàng không đúng quy định, nhất là mặt hàng thuốc lá, lực lượng chức năng kiến nghị các cơ quan thực hiện cấp mã QR phải có biện pháp theo dõi các xe, đảm bảo thực hiện đúng việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình đã đăng ký.
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT cả nước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển hàng hóa không đúng quy định, đặc biệt là đối với các phương tiện có mã QR luồng xanh và đề xuất Sở Giao thông vận tải thu hồi mã QR nếu vi phạm.
Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, từ ngày 15/10/2020, phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao. Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 90- 100 triệu đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên. Trường hợp tái phạm các hành vi này, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. "Nghị định 98 với chế tài xử phạt cao hơn nghị định cũ sẽ tạo ra sự răn đe đối với các đối tượng buôn lậu. Tuy nhiên, để kiểm soát thuốc lá nhập lậu hiệu quả cần có sự vào cuộc của nhiều ngành như hải quan, biên phòng, công an... Riêng lực lượng QLTT sẽ thực hiện nhiệm vụ này một cách quyết liệt nhất để làm sao thực hiện được mục tiêu hạn chế thấp nhất lượng thuốc lá nhập lậu và tiêu thụ tại thị trường trong nước", Tổng cục QLTT thông tin.
|