Những ngôi chùa linh thiêng, nổi tiếng bậc nhất tại Quảng Ninh
Chùa Đồng - địa điểm tâm linh nổi tiếng Yên Tử
- Địa chỉ: thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh
- Lễ hội: mùng 10 tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch
Điểm hành hương không thể bỏ qua của các tín đồ Phật giáo khi đến Quảng Ninh chính là quần thể danh thắng chùa Yên Tử. Chùa được xây dựng tại độ cao 1.068m ở thành phố Uông Bí, tỏa sáng bởi lối kiến trúc kỳ công và tôn nghiêm. Chìm đắm trong không khí trong lành và yên tĩnh của rừng cây xung quanh, chùa Đồng Yên Tử Quảng Ninh còn giữ lại dấu tích lịch sử từ thời vua Trần Nhân Tông.
Hàng năm, từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội Yên Tử, du khách từ khắp nơi đến ngôi chùa Quảng Ninh này để vãng cảnh, cầu bình an và thực hiện các nghi lễ cúng bái. Chùa Đồng Quảng Ninh là ngôi chùa trên đỉnh núi được làm bằng đồng lớn nhất ở châu Á.
Chùa Ngoạ Vân - thánh địa Phật giáo Trúc Lâm
- Địa chỉ: 2 xã An Sinh và Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh
- Lễ hội: mùng 9 tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch
Đến du lịch Yên Tử, nhất định không thể không ghé thăm chùa Ngọa Vân. Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Vẩy Rồng, hay còn được gọi là núi Bảo Đài, được coi là trung tâm quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm. Quần thể chùa được chia thành 4 khu vực với 15 cụm tháp & chùa độc đáo, bao gồm Ngọa Vân, Thông Đàn - Đô Kiệu, Ba Bậc và Đá Chồng.
Với độ cao trung bình hơn 500m so với mực nước biển, chùa Quảng Ninh Ngọa Vân nằm giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tạo nên một không gian tâm linh thiêng liêng. Bước chân đến chùa Ngọa Vân, du khách như được trở về với chính mình, khám phá những giá trị sâu sắc nhất trong tâm hồn giữa không gian thanh tịnh, làn sương mờ ảo trên đỉnh núi.
Chùa Long Tiên - ngôi chùa Quảng Ninh đẹp cổ kính
- Địa chỉ: Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh
- Lễ hội: ngày 24 tháng 3 Âm lịch
Khám phá du lịch Hạ Long, du khách đừng quên ghé thăm chùa Long Tiên - một trong những ngôi chùa Quảng Ninh vô cùng nổi tiếng. Chùa được xây dựng năm 1941 theo hệ phái Bắc Tông. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm từ những năm đầu của thế kỉ XX nhưng chùa vẫn giữ nguyên sự khang trang và uy nghi.
Nằm dọc theo chân núi Bài Thơ, không gian xung quanh ngôi chùa Quảng Ninh này như một thiên đàng yên bình và thanh tịnh. Nếu muốn trải nghiệm không khí lễ hội, du khách nên ghé chùa vào ngày 24 tháng 3 Âm lịch hàng năm để tham gia lễ hội rước kiệu qua đền Đức Ông. Đặc biệt vào dịp đầu năm mới, nơi đây trở thành điểm đến của người dân địa phương để cầu mong một năm mới tràn đầy bình an và phú quý cho gia đình.
Chùa Cái Bầu - chốn thiêng sở hữu non nước uy linh
- Địa chỉ: thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Chùa Cái Bầu còn được biết đến với tên gọi Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm. Mặc dù mới được thành lập từ năm 2009 nhưng đã thu hút sự quan tâm lớn và là điểm đến của đông đảo du khách từ mọi nơi đến tham quan, chiêm bái.
Chùa Cái Bầu nằm trên nền móng cũ của chùa Phúc Linh, xây dựng để thờ các vị tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Chùa Quảng Ninh Cái Bầu có không gian rộng lớn với diện tích khoảng 20ha.
Chùa Cái Bầu (Ảnh sưu tầm) |
Được đặt trên địa thế “tựa sơn hướng thủy”, chùa Cái Bầu không chỉ thừa kế phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống mà còn tạo ra một không gian thanh tịnh và yên bình. Đến chùa Quảng Ninh Cái Bầu, du khách có thể tìm thấy sự bình yên, tạm quên đi áp lực và xô bồ của cuộc sống hàng ngày để tìm về bản ngã thực sự của mình.
Chùa Lôi Âm thâm nghiêm
- Địa chỉ: phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
- Lễ hội: ngày 27 tháng Giêng
Chùa Lôi Âm Quảng Ninh là một trong những ngôi chùa đẹp, linh thiêng với hơn 700 năm lịch sử. Nằm trên núi Linh Thứu, khi bước chân đến đây, du khách không chỉ trải nghiệm không gian tâm linh thiêng liêng mà còn hòa mình trong không khí trong lành của thiên nhiên xanh mát.
Mặc dù quy mô không bề thế như những ngôi chùa Quảng Ninh khác nhưng chùa Lôi Âm vẫn tự hào là một linh tự lặng lẽ, ẩn mình giữa rừng thiêng của “Linh Thứu Kỳ Sơn”. Đặc biệt, để đến chùa, du khách phải đi qua chuyến đò lênh đênh giữa sông nước hồ Yên Lập, tạo nên một trải nghiệm độc đáo và khó quên.
Chùa Hồ Thiên cổ kính
- Địa chỉ: xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Chùa Hồ Thiên là một trong những ngôi chùa Quảng Ninh cổ nhất, được liệt vào danh sách những Di tích lịch sử với đầy đủ dấu vết từ thời nhà Trần. Dù đã trải qua năm tháng, đến nay ngôi chùa chỉ còn lại những phế tích nhưng nó vẫn là hiện thân của kiến trúc có giá trị.
Chùa Quảng Ninh Hồ Thiên nằm trên đỉnh núi Phật Sơn, thuộc dãy núi Yên Tử với độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Hiện nay chùa vẫn đang lưu giữ những bảo vật quý giá như bài văn bia tháp Viên Quả và Viên Nhân, chứa đựng nhiều thông tin quý báu về quá trình hình thành, phát triển của ngôi chùa này.
Chùa Trình - cửa ngõ vào khu Di tích Yên Tử
- Địa chỉ: khu Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
Chùa Trình Quảng Ninh là một điểm đến linh thiêng nổi bật với kiến trúc độc đáo kiểu chữ Nhất thời Hậu Lê. Với những giai đoạn lịch sử thăng trầm, chùa Trình đã trải qua sự đổi mới và xây dựng lại với kiến trúc 3 gian rộng lớn.
Bên trong chùa có Tiền đường, Chính điện thờ Phật và nhà Tổ tạo nên không gian linh thiêng và trang nghiêm. Nơi đây còn có những pho tượng tạc gỗ Hương và đúc đồng toát lên vẻ truyền thống. Với quy mô rộng lớn, chùa không chỉ là điểm hành hương mà còn là trụ sở quan trọng của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Chùa Ba Vàng - ngôi chùa lớn ở Quảng Ninh
- Địa chỉ: núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
Chùa Ba Vàng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh đặc sắc nhất Việt Nam. Chùa Ba Vàng có kết cấu 3 gian và nằm trên khuôn viên rộng lớn đến cả nghìn mét vuông với hơn 300 năm lịch sử.
Chùa Ba Vàng (Ảnh sưu tầm) |
Đến đây du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tượng Quan Thế Âm Bồ Tát khổng lồ với chiều cao 13,6m và trọng lượng lên đến 80 tấn. Mùng 8 tháng Giêng hàng năm, chùa Quảng Ninh Ba Vàng càng rực rỡ với các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội du xuân rất đáng mong chờ. Chùa Quảng Ninh Ba Vàng được ví như 1 “bảo tàng kiến trúc” Phật giáo độc đáo từ thời nhà Lê.
Chùa Quỳnh Lâm - danh thắng xứ Đông
- Địa chỉ: phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
- Lễ hội: mùng 1 đến hết mùng 3 tháng 2 Âm lịch
Chùa Quỳnh Lâm Quảng Ninh, hay còn được biết đến với cái tên chùa Quỳnh, là một trong những điểm đến tâm linh đặc sắc. Ngôi chùa từng là trung tâm Phật giáo quan trọng của dòng thiền Trúc Lâm.
Ở phía trước chùa là ao lớn, sau là dòng nước uốn lượn và dãy đồi núi xa xa, tạo nên không gian huyền bí với gió núi thổi qua cùng cỏ cây xanh thẳm quanh năm. Khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn.
Chùa Hoa Yên - cõi tiên cảnh thuộc danh thắng Yên Tử
- Địa chỉ: xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
Nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, chùa Hoa Yên với lối kiến trúc kiểu chữ Đinh bao gồm 5 gian tiền đường và hậu cung được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Chùa không chỉ nổi tiếng với những tượng phật, bia, tháp cổ mà còn lưu giữ những di vật quý giá như gạch hoa cúc và ngói mũi hài kép thời Trần. Ngoài ra các bức phù điêu chạm trên đá có hình đầu rồng, sư tử cũng là điểm nhấn độc đáo.
Chùa Hoa Yên (Ảnh sưu tầm) |
Đặc biệt, chùa Hoa Yên cũng lưu giữ 3 cây đại có tuổi đời trên 700 năm, gốc to lớn, cành đan vào nhau. Tán cây nở bung tạo thành những chùm hoa trắng, làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên và tâm linh cho khuôn viên chùa.
Chùa Trung Tiết - Di tích Quốc gia đặc biệt
- Địa chỉ: thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Chùa Trung Tiết là một công trình kiến trúc tôn giáo lâu đời, liên quan chặt chẽ đến quần thể khu Di tích đền và lăng mộ của các vị vua Trần ở Đông Triều. Nơi đây không chỉ là ngôi chùa thờ Phật mà còn là đền thờ vua Trần Anh Tông cùng hai trung thần Lê Chung và Đặng Tảo.
Chùa Trung Tiết là một trong những ngôi chùa Quảng Ninh lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và truyền đạt đạo lý tốt đẹp. Tuy đã trải qua nhiều biến động của thời gian, chùa Trung Tiết hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như các pho tượng từ thế kỷ 19, 20. Đồng thời, các di vật có kích thước khác nhau cũng phản ánh niên đại xây dựng và quy mô của chùa, làm nổi bật sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc thời Trần.
Chùa Cảnh Huống - gắn với lịch sử thăng trầm
- Địa chỉ: xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Chùa Cảnh Huống dựa vào núi Vân Sơn với tầm nhìn phía trước hướng về ngã ba sông Kinh Thầy, sông Bạch Đằng và sông Đá Bạc. Kiến trúc ban đầu của chùa bao gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung được chế tác từ gỗ lim và đá xanh, kết hợp với nhà thờ Tổ phía sau.
Với hàng trăm năm tồn tại, chùa Cảnh Huống đã trở thành nơi tu hành của nhiều cao tăng. Tuy nhiên, chùa đã trải qua thời kỳ hoang phế một thời gian. Mãi đến năm 1994 khi quần thể Di tích danh thắng Yên Đức được Nhà nước xếp hạng bảo tồn, chùa Cảnh Huống được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Từ đó, chùa bắt đầu quá trình phục dựng và trùng tu.
Đây cũng là thời điểm nhân dân địa phương cùng nhau xây dựng lại 3 gian thờ Phật và khôi phục lễ hội truyền thống của làng. Kiến trúc ngôi chùa Quảng Ninh này vẫn giữ nguyên cấu trúc 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Ngoài ra, một bên chùa thờ Phật Bà Quan Âm với nghìn mắt nghìn tay, còn bên kia thờ Thánh Mẫu Trần triều.
Chùa Nam Thọ - dấu ấn tâm linh vùng biên ải
- Địa chỉ: khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh
Nếu có dịp đến du lịch Móng Cái, đừng quên ghé thăm chùa Nam Thọ, một trong những ngôi chùa Quảng Ninh mang đậm dấu ấn tâm linh vùng biên ải. Theo các tư liệu lịch sử ghi chép lại, chùa được xây dựng dưới thời Hậu Lê. Hệ thống các tượng phật trong chùa được chạm trổ tỉ mỉ, tinh tế và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Chùa Nam Thọ (Ảnh sưu tầm) |
Khu sân của chùa tập trung nhiều cây đa và cây chay đại thụ, có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tạo nên không gian yên bình, xanh mát xung quanh chùa. Chùa Quảng Ninh Nam Thọ được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia trong danh mục kiến trúc nghệ thuật, là minh chứng cho giá trị lịch sử và văn hóa nổi bật.
Chùa Quảng Yên Quảng Ninh - chùa Giữa Đồng
- Địa chỉ: phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
- Lễ hội: mùng 9 tháng Giêng Âm lịch
Chùa Giữa Đồng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17. Chùa nằm giữa cánh đồng rộng được bao quanh bởi cảnh quan tươi đẹp cùng với sự yên bình của xóm làng. Khuôn viên chính của chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lý với chất liệu chính là đá nguyên khối và gỗ lim.
Ngoài ngôi chùa chính, khuôn viên còn bao gồm nhiều công trình khác như nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà dâng lễ, nhà tiếp khách, gác chuông, hành lang thờ La Hán, động sơn trang, chùa một cột, lầu hóa sớ… Lễ hội chính của chùa diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, là dịp thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi đến chùa tham gia lễ bái, cầu may.