Phá rào cản đưa vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường Mỹ
Phấn đấu đưa 1.600 tấn vải đi Mỹ, EU
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2022, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng; mở rộng diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Cùng với đó, các ngành, địa phương trong tỉnh đã thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, đảm bảo có đủ sản lượng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
"Tại các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ sẽ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử; vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội: không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn", ông Phan Thế Tuấn thông tin.
Năm 2022, sản lượng vải thiều dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU đạt 1.600 tấn |
Theo ông Tuấn, năm nay thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 15/5, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2022.
Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 dự kiến trên 160.000 tấn, trong đó: sản lượng vải sớm khoảng trên 50.000 tấn; vải chính vụ 110.000 tấn. Năm nay vải thiều dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU với 18 mã số vùng trồng (được Mỹ cấp mã số IRADS), diện tích là 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.
Đối với thị trường xuất khẩu, ông Tuấn cho biết, Bắc Giang đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua: Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng vải thiều trên các Sàn thương điện tử: Amazon.com, Alibaba.com, Sendo.vn, Postmart.vn, Voso.vn...; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, Zalo. Trong đó, Bắc Giang xác định Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn.
Nhận định rõ thách thức để vượt qua
Đánh giá về thị trường Mỹ, ông Phan Thế Tuấn khẳng định, đây là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn, tuy nhiên đây lại là thị trường "khó tính", đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Chung nhận định, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hoàng Thị Thanh Nga cho biết, để xuất khẩu được các nông sản của Bắc Giang, trong đó có vải thiều sang thị trường Mỹ cần có sự tìm hiểu rõ về quy trình sản xuất, vận chuyển để khi đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn và có được chất lượng tốt nhất.
Theo bà Nga, đây là vấn đề lớn nhất hiện nay vì khó khăn trong khâu vận chuyển, vẫn đang dùng đường hàng không. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho rằng, hội thảo sáng 29/3 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, vận tải trao đổi, cùng tỉnh Bắc Giang và người nông dân tìm ra phương án xuất khẩu tốt nhất cho các nông sản của tỉnh sang thị trường Mỹ.
Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang các thị trường rất tiềm năng, tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản như chi phí vận chuyển, yêu cầu chất lượng... |
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) cho biết, để đưa vải thiều sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp đưa ra quy trình 6 bước.
Mặc dù vậy, vải thiều khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang gặp phải một số khó khăn như: Vận chuyển bằng đường hàng không chi phí cao, vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian (30-35 ngày) gây áp lực cho công nghệ bảo quản...
Cũng từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam nói vải thiều của Bắc Giang xuất khẩu sang các thị trường thực sự rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang Mỹ còn có một số rào cản, khó khăn.
Ví dụ như phải vận chuyển từ 2 đến 3 ngày vào miền Nam mới có cơ sở đủ điều kiện chiếu xạ rồi sau đó mới đóng gói và xuất khẩu sang thị trường này. Điều này làm chi phí giá thành cao, đồng thời cũng khiến thời gian bảo quản phải kéo dài.
"Bên cạnh đó thì thời gian thông quan khi xuất khẩu sang Mỹ cũng rất lâu. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với đó là hàng hoá nhiều gây ra tình trạng tắc container tại cảng. Năm nay, Ameii cũng dự kiến đưa quả vải thiều sang thị trường Mỹ và chắc chắn là sẽ sang được nhưng điều quan trọng là phải quảng bá để người tiêu dùng Mỹ nhận biết được quả vải thiều của Việt Nam", bà Ngô Thị Thu Hồng khẳng định.
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất nhập khẩu tại Mỹ, từ điểm cầu Houston (Texas), bà Jolie Nguyễn, đại diện Công ty Dịch vụ Lương Nguyễn cho biết, trong bảo quản trái cây, mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu nhằm giữ được giá trị, chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển.
"Muốn vào thị trường Mỹ, sản phẩm cần có mã định danh FDA; tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu kiểm định mẫu; tuân thủ yêu cầu kiểm định, chứng nhận bên thứ 3 (SGS…). Vì vậy, doanh nghiệp phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường", nữ doanh nhân chia sẻ.