Phó Thủ tướng đề nghị xử lý các quy định chống dịch gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 9263/VPCP-KSTT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về xử lý các quy định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi xét báo cáo của Văn phòng Chính phủ về việc địa phương ban hành các quy định trong phòng chống dịch Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ách tắc lưu thông hàng hóa, cản trở việc đi lại của nhân dân và quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP cần được giải quyết kịp thời |
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, có trách nhiệm kiểm tra xem xét các phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp những khó khăn, vướng mắc, phức tạp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Kết quả giải quyết phải được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho người dân, doanh nghiệp biết.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tiếp tục theo dõi, nắm bắt các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ách tắc lưu thông hàng hóa, cản trở việc đi lại của nhân dân trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để kịp thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" nêu rõ, căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp, bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể, nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn.
Cũng trong ngày 21/12, để kịp thời có giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tránh ảnh hưởng xấu do việc ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu gây thiệt hại kinh tế do phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát phục vụ phòng chống dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan tổ chức buổi họp báo bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo Tổng cục Hải quan, đến sáng ngày 21/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.461 xe, giảm 137 xe so với ngày 20/12
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc là do phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.
Đặc biệt, có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn, yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh- Pò Chìa và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 02 mũi vaccnie và thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 03 ngày/lần.
Trong khi đó, về phía Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân là do nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, và một số lệnh của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực khiến lượng hàng hóa hoa quả, nông sản thực phẩm đổ dồn về các cửa khẩu biên giới phía Bắc chờ xuất khẩu sang Trung Quốc để tránh chính sách của Trung Quốc trước ngày 1/1/2022.
Bên cạnh đó, khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tránh ảnh hưởng xấu do việc ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu Tổng cục Hải quan đẩy mạnh giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Đồng thời đề xuất Bộ Tài chính có ý kiến kiến nghị một số nội dung với các bộ ngành liên quan.