Doanh nghiệp phân phối tăng 50% lượng hàng dự trữ phục vụ Tết
Sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường dần được phục hồi, cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm trên thị trường cho người dân được cải thiện.
Thông tin từ Bộ Công Thương, để chuẩn bị cho đợt cao điểm cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục kế hoạch, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao.
Hơn nữa, vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.
Thế nhưng, với tinh thần đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bộ Công Thương đã kích hoạt các phương án, huy động các nguồn cung, kể cả các địa bàn có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hóa, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng đã có kế hoạch triển khai các Chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường.
Siêu thị Mega Market đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng hơn 30% so với nhu cầu bình thường để phục vụ người tiêu dùng mua sắm trực tiếp và mua sắm qua mạng trong dịp cuối năm |
Ông Nguyễn Anh Phương - Giám đốc khu vực miền Bắc siêu thị Mega Market cho biết, chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng hơn 30% so với nhu cầu bình thường để phục vụ người tiêu dùng mua sắm trực tiếp và mua sắm qua mạng trong dịp cuối năm.
“Thời điểm cuối năm, dự báo sức mua tăng mạnh, Mega Market đã tăng lượng hàng dự trữ lên 30% so với các tháng thông thường. Hiện, chúng tôi đã và đang vận hành các trạm trung chuyển hàng hóa. Ví dụ như trạm trung chuyển rau xanh, củ quả ở Đà Lạt; trạm trung chuyển cá ở Cần Thơ; thịt heo ở Bình Dương và Hà Nội… Lượng tồn kho ở các trạm trung chuyển này luôn ở mức trên 50% để phục vụ cho hàng Tết.
Riêng đối với nhóm mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, măng, miến… lượng dự trữ tăng trưởng 50% so với các tháng thông thường”, ông Nguyễn Anh Phương thông tin.
Tương tự, đối với hệ thống Wincommerce, bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Siêu thị VinMart Gardenia (đường Hàm Nghi, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, ngay từ đầu năm 2021, Wincommerce luôn theo sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, lên kịch bản cung ứng hàng hóa ứng phó với mọi diễn biến của dịch bệnh.Với ưu tiên hàng đầu là cung cấp đầy đủ hàng hóa chất lượng cao với giá cả ổn định đến tay người tiêu dùng cả nước, Wincommerce chủ động làm việc cùng các nhà cung cấp lớn, tăng cường dự trữ hàng hóa, có thời điểm lượng dự trữ hàng của Wincommerce tăng đến 300%.
Đại diện Wincommerce cam kết và khẳng định, sẽ cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm và cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Hàng hóa ở siêu thị VinMart Gardenia luôn dồi dào, phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân |
“Hàng hóa được vận chuyển liên tục từ các siêu thị và cửa hàng để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng, cháy hàng. Không chỉ vậy, Wincommerce cũng tăng cường kết nối với các địa phương trên cả nước để thu mua nông sản chất lượng cao, hỗ trợ đầu ra cho người nông dân, đồng thời, giúp người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm chất lượng”, bà Nguyễn Thị Thủy khẳng định.
Ngoài ra, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, chúng tôi đã xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa tập trung vào những nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, mì, dầu ăn, rau củ quả, thịt cá… nhiều hàng hóa có mức tăng đến 300%.
Đi cùng với sức mua sắm tăng cao là việc gia tăng nhiều hành vi vi phạm, do vậy, trong những tháng cuối năm, lực lượng QLTT cả nước cũng lên phương án kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi găm hàng, nâng giá, trục lợi.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục QLTT cho biết, dịp cuối năm, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Đức Lê khẳng định, lực lượng QLTT sẽ nỗ lực, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Theo báo cáo nhanh lực lượng QLTT, trong tháng 10/2021, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý trên 3.250 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 25 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 1/1/2021 đến 25/10/2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 36.755 vụ vi phạm; thu nộp nhân sách nhà nước trên 282 tỷ đồng. |