Ngành điện ở các địa phương này cũng đã giải thích tới khách hàng về lộ trình ghi chỉ số công tơ điện thống nhất về ngày cuối tháng trên phạm vi toàn quốc theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước và sẽ hoàn thành công tác này vào năm 2025 |
Vì sao hoá đơn tiền điện nhà bạn tăng cao trong tháng vừa qua?
Trên thực tế, vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023 ở khu vực TP.HCM và một vài địa bàn khu vực miền Bắc cũng có nhiều khách hàng phản ánh tình trạng hoá đơn tiền điện tăng cao.
Theo VOV, ngành điện ở các địa phương cũng đã giải thích tới khách hàng về lộ trình ghi chỉ số công tơ điện thống nhất về ngày cuối tháng trên phạm vi toàn quốc theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước và sẽ hoàn thành công tác này vào năm 2025.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHN) hiện đang kinh doanh bán điện cho khoảng 2,8 triệu khách hàng, với 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến trên các nền tảng số. Đây là điều kiện thuận lợi để EVN Hà Nội đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi ghi chỉ số công tơ điện thống nhất về ngày cuối tháng, để hoàn thành vào năm 2024 - sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Chính phủ là 2025.
EVN Hà Nội đã bắt đầu thực hiện việc ghi chốt chỉ số công tơ vào ngày 30/11/2023 tại các quận, huyện đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực (như phải đáp ứng 100% công tơ điện tử…).
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVN Hà Nội, bởi đây là việc làm cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu được những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hoá đơn cũng như đảm bảo công bằng cho các khách hàng sử dụng điện (kể cả hộ tiêu thụ sinh hoạt và hộ sản xuất, kinh doanh.
"Việc thay đổi ghi chỉ số công tơ cũng là trong chỉ đạo chung từ quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, đến người dân. Việc thống nhất ngày ghi chỉ số sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, cũng như dễ dàng trong công tác quản lý, vận hành và thanh quyết toán của bên đơn vị bán điện, người sử dụng điện. Về việc làm này thì đối với quản lý nhà nước chúng tôi cũng mong mỏi từ lâu. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng kỹ thuật… Bây giờ chúng ta đã làm chủ và đã chuyển đổi số rất mạnh thì việc chúng ta áp dụng này rất là tốt và phù hợp" - ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết thêm.
Về việc tiền điện tăng khi việc chuyển đổi ghi chỉ số công tơ dồn vào ngày cuối tháng, bà Tô Lan Phương - Trưởng ban kinh doanh EVNHN giải thích: Theo thông lệ lịch ghi chỉ số công tơ trên địa bàn Hà Nội diễn ra từ ngày 03 đến ngày 20 hàng tháng (tuỳ địa bàn). Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng (tức ngày 30 hàng tháng) thì hoá đơn tiền điện sẽ cao hơn so với bình thường, do số ngày tiêu thụ điện tăng lên. EVNHN cam kết đảm bảo đúng quyền lợi của khách hàng, việc tính tiền điện theo bậc thang luỹ tiến không có sự thay đổi so với trước.
Bà Tô Lan Phương - Trưởng ban kinh doanh EVNHN cho biết cụ thể: "Việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng thì có thể được giải thích như sau: Bình thường thì khách hàng sử dụng điện sẽ ghi chỉ số từ ngày mùng 3 và có thể là đến ngày 20, thì thay vì việc khách hàng sẽ thanh toán tiền điện cho 30 ngày thì số ngày sử dụng điện thực tế có thể là từ 41 ngày đến 58 ngày. Quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo do căn cứ theo điều chỉnh số lượng ngày sử dụng điện thực tế. EVN Hà Nội sẽ căn cứ trên các Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước và mức sử dụng điện của từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo ngày sử dụng thực tế của kỳ ghi chỉ số hóa đơn đó".
Từ thực tế việc triển khai ghi chốt chỉ số công tơ vào ngày cuối tháng ở một số đơn vị điện lực đã dẫn đến hoá đơn tiền điện phải trả của không ít người tiêu dùng tại khu vực này tăng cao, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: "Tôi nghĩ là chắc chắn còn tiếp tục phải có truyền thông. Tại sao, vì có thể có trường hợp mà việctiêu thụ điện tự nhiên thấy nó tăng lên, thì mình phải phân tích lý do tại sao như vậy. Không phải do tiêu thụ 1 mà tiền điện mất 1,5 thì không phải thế, vẫn thế thôi, nhưng mà do cách ghi, thời hạn ghi nó có khác nhau dẫn đến như vậy - thì chắc chắn tôi nghĩ ngành điện cần có tiếp tục truyền thông nhiều hơn, đặc biệt là giáp đến thời kỳ mà thực hiện chủ trương này".
Hiện nay, trên địa bàn TP, ngoài EVN Hà Nội vẫn còn hơn 100 tổ chức/hộ kinh doanh điện năng bán điện trực tiếp tới khách hàng, trong đó có hơn 60 tổ chức là các HTX dịch vụ điện năng, còn lại là các tổ chức, đơn vị ở các địa bàn khác nhau, khu đô thị, KCN, chung cư tập thể…