Bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa khi nguy cơ dịch tái bùng phát
Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương trong ngày 18/11, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước nên tình hình cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương trực chiến tại các tỉnh phía Nam với quyết tâm: Không để chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn trong bất cứ tình huống nào |
Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình cung ứng hàng hóa vẫn duy trì ổn định, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 17/11, có 175/234 chợ đã hoạt động, đạt tỷ lệ 74,7%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.Bên cạnh đó, duy trì hoạt động của 106/106 siêu thị, 3.031/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Đến nay, 2/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn. Riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức, vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Tổng lượng hàng cung ứng cho thành phố sáng 17-11 ước đạt 7.890,5 tấn/ngày. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày. Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng 17-11 ước đạt 2.947,6 tấn.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).
Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 17/11 giảm 4,4% so với ngày 16/11, ước đạt 2.947,6 tấn/đêm.
Ngoài ra, tại tỉnh Tây Ninh, có 100/108 chợ, 11 siêu thị, 73 cửa hàng Bách hóa Xanh; 1 trung tâm thương mại; 91 cửa hàng tiện lợi và hơn 5.700 cửa hàng tạp hóa... đang hoạt động.
Hầu hết các hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hoá này hoạt động, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tự đi mua sắm lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ cũng được xếp bán đảm bảo khoảng cách theo quy định. Tại một số khu vực có nguy cơ rất cao (có nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng), việc tổ chức cho người dân trên địa bàn đi chợ mua mặt hàng thiết yếu được phân chia theo ngày giờ và ngày chẵn lẻ. Đối với những khu phong tỏa, địa phương có tổ hỗ trợ thực hiện đi chợ hộ.
Tại tỉnh Đồng Tháp, có 230/243 chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi khôi phục hoạt động. Còn 13 chợ tạm ngưng hoạt động. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, thị trường không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.
Do có sự chuẩn bị từ trước nên tình hình cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân. |
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ khi thực hiện Nghị Quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, phần lớn các cơ sở kinh doanh đã được phép hoạt động trở lại, việc lưu thông hàng hóa thuận tiện, nguồn hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về nhãn hiệu, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, giá cả ổn định.
Nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, thuốc… phục vụ phòng chống dịch dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, giá cả ổn định.
Tại các chợ, các siêu thị, hệ thống Bách hóa xanh… sức mua bình thường. Giá thịt heo giảm từ 8.000-24.000 đồng/kg tùy loại, tương đương giảm từ 6%-17%.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh đã hoạt động nhưng người mua và lượng hàng bán ra không nhiều. Các cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ.
Tại tỉnh Vĩnh Long, có 111/115 chợ truyền thống (đạt 96,5%) và 53 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang hoạt động (đạt 98%).
Nhìn chung, giá cả các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, thị trường không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.