QLTT Gia Lai: Tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm
Xử lý nhiều vụ kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm
Theo Cục QLTT Gia Lai, mặc dù tình hình dịch bệnh liên tục bùng phát, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã ngừng kinh doanh, một số khác đứng trước nguy cơ đóng cửa, nguồn cung và lượng hàng hóa tồn kho tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giảm, nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tương đối ổn định; giá cả các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế và thực phẩm phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh không tăng.
Cùng với các lực lượng chức năng, Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại. Đáng chú ý là các hành vi về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có chất cấm; lợi dụng giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” để vận chuyển hàng nhập lậu; sử dụng trang mạng xã hội Facebook để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng….
![]() |
Năm 2021, lực lượng QLTT Gia Lai đã kiểm tra trên 1.900 vụ, xử lý hành chính gần 1.100 vụ |
Trong năm 2021, lực lượng QLTT Gia Lai đã kiểm tra trên 1.900 vụ, xử lý hành chính gần 1.100 vụ. Tổng số tiền thu phạt gần 6 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,6 tỷ đồng. Chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 05 vụ.
Một trong những mặt hàng được các Đội kiểm tra, xử lý nhiều trong năm qua là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, trong năm 2021, các Đội đã tiến hành kiểm tra 222 vụ phân bón, xử lý 82 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu trên 34 triệu đồng. Đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón thời hạn 03 tháng đối 03 cơ sở và đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón thời hạn 06 tháng đối với 01 cơ sở buôn bán phân bón. Tịch thu gần 4.700kg phân bón hết hạn sử dụng; buộc thu hồi để tái chế hơn 17,5 tấn phân bón không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật; buộc tiêu hủy gần 3 tấn phân bón không đảm bảo chất lượng.
Đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, lực lượng QLTT Gia Lai đã tiến hành kiểm tra, xử lý 26 vụ vi phạm. Trong đó, chuyển cơ quan công an xem xét khởi tố vụ án hình sự 03 vụ với tang vật trên 7.000 lít và 94 kg thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất cấm buôn bán, sử dụng tại Việt Nam. Xử phạt vi phạm hành chính 23 vụ, phạt tiền 174 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng trăm lít thuốc BVTV bị cấm sử dụng.
“Nổi lên trong năm 2021 là những vi phạm về buôn bán thuốc BVTV. Mặc dù có chứa các hoạt chất cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng vì nhu cầu sử dụng của người dân và lợi ích kinh tế nên các đối tượng vi phạm vẫn lén lút buôn bán”, ông Lê Hồng Hà, Cục trưởng Cục QLTT Gia Lai chia sẻ.
Cùng với công tác kiểm tra, Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt các nội dung trong công tác phòng chống dịch Covid-19 như giám sát chặt chẽ việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế và mặt hàng thực phẩm; hoạt động tuyên truyền; phân công trực Đội không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
![]() |
Công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT Gia Lai |
Chú trọng xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm
Theo ông Lê Hồng Hà, trong thời gian qua, các hành vi về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn khá tinh vi. “Các hành vi vi phạm ngày càng phức tạp, vi phạm đối với lĩnh vực thương mại điện tử và bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo tăng.”, ông Hà dự báo.
Đánh giá tình hình thị trường hàng hóa năm 2022, Cục QLTT Gia Lai dự kiến thu nộp ngân sách nhà nước đạt 6,1 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những giải pháp được Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đề ra đó là tăng cường công tác quản lý địa bàn, hoạt động giám sát, kiểm tra, đặc biệt là vào dịp cuối năm đối với các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, thực phẩm, mỹ phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón,…
Chú trọng xử lý đối với các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2022 theo chỉ đạo của Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục QLTT phê duyệt kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
Cục trưởng Lê Hồng Hà khẳng định, cùng với các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022, công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… sẽ tiếp tục được Cục chỉ đạo các đổi đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng, hộ kinh doanh vi phạm, đặc biệt là kinh doanh hàng có chất cấm…góp phần đảm bảo cho người dân trên địa bàn yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Bình Thuận: Tạm giữ lô hàng hơn 3.200 sản phẩm bao gói sẵn do Trung Quốc sản xuất

Thái Nguyên: Phát hiện và thu giữ nhiều bộ sản phẩm điều hòa nhập lậu

Sơn La: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Ngày hội hoa Sơn Tra và quảng bá văn hóa, du lịch năm 2023

Công đoàn cơ sở Cục QLTT Đồng Nai hưởng ứng chạy Olympic, vì sức khoẻ toàn dân năm 2023

Công đoàn cơ sở Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tổ chức thành công Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028

Không để hàng giả, không rõ nguồn gốc len lỏi vào thôn, bản ở Sơn La

Mít tinh hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam
