Quản lý thị trường ký hợp tác phòng, chống hàng giả với sản phẩm nước tăng lực Red Bull
Tập đoàn T.C. Pharmaceutical Industries Co., Ltd., (TCP) được thành lập năm 1978, là nhà sản xuất của sản phẩm nước tăng lực có lịch sử nổi tiếng mang tên “Krating Daeng” hay còn gọi là “Red Bull” xuất xứ từ Thái Lan. Tính đến nay, sản phẩm nước tăng lực Red Bull đã được phân phối tại hơn 167 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, trở thành thương hiệu nước tăng lực hàng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ. Hiện tại, TCP sở hữu nhiều đăng ký nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Năm 1994, Red Bull có mặt tại thị trường Việt Nam. Với dòng sản phẩm đa dạng, đạt chuẩn quốc tế, trong hơn 20 năm, RedBull trở thành một trong thương hiệu về nước tăng lực rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, ở thị trường Việt Nam, trong năm 2019, TCP Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần ở mức 1.013 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018. Tuy nhiên, con số này có xu hướng chững lại trong các năm 2020 và 2021, lần lượt ở mức 1.010,8 tỷ đồng và 1.037,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, Red Bull Việt Nam đều ghi nhận mức tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu trên 36%. Chỉ trong 3 năm 2019 - 2021, công ty đã ghi nhận tổng cộng 1.176 tỷ đồng lợi nhuận.
Song song với sự tăng trưởng, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm Redbull tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho biết, các sản phẩm nước tăng lực vi phạm chứa những đặc điểm nhận dạng tương tự với sản phẩm thật gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu được bảo hộ của TCP, ví dụ như: Red Blue, Red Gold, Red Goats
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho biết, các đối tượng vi phạm liên tục đưa ra thị trường Việt Nam các sản phẩm nước tăng lực với những mẫu mã, bao bì mới liên tục thay đổi, thể hiện thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Các sản phẩm nước tăng lực vi phạm chứa những đặc điểm nhận dạng tương tự với sản phẩm thật gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu được bảo hộ của TCP, ví dụ như: Red Blue, Red Gold, Red Goats...
“Thậm chí, các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được bày bán ở nhiều nơi từ vùng nông thôn, rải rác ở khu vực thành phố và lan đến tận các trang thương mại điện tử lớn”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình thông tin và nhận định, tình trạng này tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sức khỏe của người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng, trong những năm gần đây, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường phối hợp, kiểm tra kiểm soát thị trường…
Đặc biệt, thời gian qua, Tổng cục đã ban hành và tập trung triển khai Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT về Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 và Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (ban hành tại Quyết định số 2390/QĐ-BCT ngày 13/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Hiện nay lực lượng Quản lý thị trường đang nỗ lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng chức năng rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối sản phẩm để công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ được triển khai một cách hiệu quả nhất.
Do vậy, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, việc ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm mục đích giúp Tổng cục Quản lý thị trường có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường các sản phẩm của TCP trong nước; nâng cao hiệu quả công tác, đồng thời giúp TCP nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hệ thống các nhà sản xuất.
Đại diện phía Tập đoàn TCP Thái Lan và đại diện TCP tại Việt Nam tham dự buổi làm việc
Để triển khai hiệu quả Biên bản Ghi nhớ, trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường quản lý tất cả các địa bàn, thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến các sản phẩm của TCP đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Song song đó, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, đề nghị của TCP và hỗ trợ xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quyết định của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của TCP đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Mặt khác, Tổng cục sẵn sàng cung cấp các thông tin liên hệ cần thiết của các cán bộ Quản lý thị trường phụ trách để cho phép TCP tổ chức các hoạt động tập huấn (hội thảo) đề cập ở trên và mời các cán bộ Quản lý thị trường đến tham dự chương trình tập huấn, nhằm mục đích hỗ trợ các cán bộ thực thi ngăn chặn hàng giả và hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của TCP.
Ngược lại, phía TCP có trách nhiệm cung cấp cho Tổng cục các thông tin mà TCP có được liên quan đến các hoạt động sản xuất, buôn bán, tàng trữ và thu giữ hàng giả và hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của TCP đã, đang và sẽ diễn ra tại Việt Nam;
Bên cạnh đó, cung cấp các hỗ trợ và trợ giúp theo quy định của pháp luật cho lực lượng Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng hóa giả mạo và hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của TCP và các hành vi xâm phạm quyền ở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật, cụ thể là tham gia vào các hoạt động xác nhận, thu giữ, vận chuyển và tiêu hủy hàng vi phạm;
Ngoài ra, tổ chức đào tạo thường xuyên cho lực lượng Quản lý thị trường nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu thuộc TCP;
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình đề nghị, phía TCP cử một đại diện chính thức để hợp tác chặt chẽ với các hoạt động của Tổng cục bao gồm tham gia các sự kiện và phối hợp kiểm tra, xử lý hàng hóa giả mạo và hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của TCP khi được yêu cầu.
Thông qua buổi buổi làm việc này, Tổng cục Quản lý thị trường hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa lực lượng Quản lý thị trường với TCP sẽ được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả. hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.