Rà soát hoạt động các tổ chức nhận xe biếu, tặng
Theo đó, Tổng cục Hải quan chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin về tình hình hoạt động của tổ chức nhận quà biếu, tặng và thực hiện xác minh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh (đối với tổ chức) hoặc địa chỉ ghi trên đơn đề nghị (đối với cá nhân).
Văn bản nêu rõ, trường hợp có dấu hiệu bất thường như công ty không có hoạt động tại địa chỉ đăng ký; công ty đã giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc người đại diện doanh nghiệp, người đứng tên trên đơn đề nghị phủ nhận việc được biếu, tặng thì từ chối cấp giấy phép nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện báo cáo và gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu về Tổng cục để xác minh đối với: Các trường hợp nghi vấn về giấy tờ cho, biếu, tặng hoặc chứng từ chứng minh quan hệ giữa người cho tặng và người nhận có dấu hiệu giả mạo; từ khi Thông tư 143/2015/TT-BTC có hiệu lực, doanh nghiệp nhập khẩu thường xuyên xe dưới dạng quà biếu, tặng theo định lượng quy định.
Khi xem xét hồ sơ phát hiện các dấu hiệu bất thường khác phải xác minh làm rõ trước khi chấp nhận hay từ chối cấp phép.
Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố cấp giấy phép nhập khẩu rà soát, báo cáo các hồ sơ đã được cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô dưới dạng quà biếu, tặng đã được cấp trong 6 năm (2016-2021) và 5 tháng đầu năm 2022.
Trường hợp có nghi vấn về giấy đăng ký kinh doanh (đối với tổ chức), về thân nhân (đối với cá nhân) thì thực hiện trao đổi, phối hợp với cơ quan thuế nội địa, cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan công an nơi xác nhận trên đơn đề nghị (đối với cá nhân) để xác minh thông tin, trường hợp có dấu hiệu bất thường như: Công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, công ty đã giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc người đại diện doanh nghiệp, người đứng tên trên đơn đề nghị phủ nhận việc nhập khẩu xe thì chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục nhập khẩu xe chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu rà soát hồ sơ nhập khẩu và báo cáo Tổng cục Hải quan.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công an và các cơ quan liên quan rà soát khung khổ pháp luật và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện để kịp thời đề xuất biện pháp cụ thể, hợp lý, khả thi, phù hợp với quy định pháp luật để quản lý đối với xe ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại trong trường hợp bãi bỏ quy định cấp giấy phép tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng trục lợi, buôn lậu, vi phạm pháp luật.
Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan khẩn trương hoàn thành việc rà soát khung khổ pháp luật và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư 143/2015/TT-BTC để kịp thời đề xuất biện pháp cụ thể, hợp lý, khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật để quản lý đối với xe ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016, xe nhập khẩu theo hình thức quà biếu, tặng là 1.064 chiếc, năm 2017 là 987 chiếc, năm 2018 là 266 chiếc, năm 2019 là 213 chiếc, năm 2020 là 488 chiếc, năm 2021 là 795 chiếc. Từ 1/1/2022 đến 22/5/2022 là 166 chiếc. Tổng xe nhập khẩu theo hình thức quà biếu tặng từ năm 2016 đến nay là 3.979 chiếc, chiếm 0,85% trong tổng số xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu. Tổng số thuế thu từ năm 2016 đến 22/5/2022 là 12.644 tỷ đồng.