Senegal mong muốn Việt Nam chuyển giao công nghệ chế biến nông sản
Nhân dịp này, Thương vụ đã phối hợp với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar (CCIAD) tổ chức cuộc tọa đàm về cơ hội kinh doanh và đầu tư Việt Nam-Senegal với sự tham gia của 30 doanh nghiệp sở tại.
Thương vụ phối hợp với CCIAD tổ chức buổi tọa đàm doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh và đầu đầu tư Việt Nam-Senegal |
Tại cuộc gặp giữa Tham tán Thương mại Việt Nam Hoàng Đức Nhuận với ông Salihou Keita - Tổng giám đốc Trung tâm quốc tế ngoại thương Senegal (CICES) - trưởng ban tổ chức Hội chợ quốc tế Dakar (Fidak 2022), ông Mbaye Chimère NDIAYE - Tổng thư ký Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar (CCIAD), ông Bathie Ciss - Tổng thư ký Cơ quan xúc tiến xuất khẩu Senegal (ASEPEX) và ông Ansou BADJI - Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Senegal, hai bên đã trao đổi thông tin về kinh tế mỗi nước, tình hình hợp tác thương mại song phương, các hội chợ quốc tế lớn của Việt Nam và Senegal, danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam, danh sách các doanh nghiệp tham dự Fidak 2022 và các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Senegal đạt 69,71 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 30,38 triệu USD với các sản phẩm chính như hàng dệt may 5,7 triệu USD, hạt tiêu 4,15 triệu USD, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc 4,07 triệu USD, hàng rau quả 2,47 triệu USD, thủy sản 1,3 triệu USD, gạo 529.295 USD, hàng hóa khác 12 triệu USD… và nhập khẩu từ Senegal 39,33 triệu USD trong đó hạt điều chiếm tới 38,17 triệu USD, nguyên liệu làm thức ăn gia súc 867.000 USD, đồ nhựa, chất dẻo nguyên liệu 104.000 USD, các tác phẩm làm bằng xương động vật 89.000 USD, dầu mỡ động thực vật 64.000 USD, bông 38.000 USD… Trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Senegal đạt 34,31 triệu USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm hạt tiêu (6,1 triệu USD, + 55,9%), bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc (4,7 triệu USD, + 29,2%), hàng rau quả (3,58 triệu USD, + 65,3%), hàng dệt may (3,27 triệu USD, -17,9%), hàng thủy sản (2,4 triệu USD, + 103,5 %), gạo (1,66 triệu USD, + 243,3%), phương tiện vận tải và phụ tùng (469.971 USD, + 705,5%),....
Phía Bạn đánh giá cao việc thời gian qua, phía Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, trong đó có Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam-Algeria-Senegal vào các ngày 5-6/4/2021.
Ngoài lĩnh vực trao đổi thương mại, phía Bạn cho biết “Kế hoạch Senegal nổi lên” của chính phủ nước này đang mở ra nhiều cơ hội về đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản (bông, điều, xoài), khai thác mỏ (vàng, dầu khí). Việc phát hiện ra dầu lửa ngoài khơi và dự kiến đi vào khai thác năm 2023 sẽ mang lại nguồn thu kinh tế quan trọng cho Senegal.
Phía Senegal mong muốn Việt Nam chuyển giao công nghệ chế biến điều, bông, đào tạo nhân công cho ngành dệt may trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar, Cơ quan xúc tiến xuất khẩu, Bộ Thương mại và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Senegal luôn sẵn sàng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại thị trường này. Senegal có tình hình chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, là cửa ngõ để hàng hóa các nước thâm nhập thị trường khu vực Tây Phi, nhất là các quốc gia như Mali, Mauritania. Bên cạnh phục vụ thị trường sở tại 17,7 triệu dân, hàng hóa sản xuất tại Senegal còn được hưởng ưu đãi về xuất xứ khi thâm nhập các thị trường Liên minh kinh tế, tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) mà nước này là thành viên.
Các doanh nghiệp Senegal tham gia buổi tọa đàm cũng mong muốn tìm kiếm nhà nhập khẩu trực tiếp điều thô, bông và thiết lập quan hệ đối tác với doanh nghiệp Việt Nam để chế biến những mặt hàng này, đồng thời tìm nhà xuất khẩu gạo, sữa, hạt tiêu của Việt Nam… Doanh nghiệp đề nghị Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar tổ chức đoàn sang Việt Nam để dự các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn và học hỏi kinh nghiệm chế biến nông sản, sản xuất hàng dệt may…
Đại diện Cơ quan phát triển xuất khẩu Senegal (ASEPEX) cho biết các doanh nghiệp Senegal cũng quan tâm đến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Việt Nam như như điều thô, bông, bột cá làm thức ăn gia súc, dầu mỡ động thực vật, nguyên liệu chất dẻo… ASEPEX sẵn sàng giới thiệu và phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam xác minh đối tác thương mại tại Senegal. Bạn cũng cho biết sẽ xem xét khả năng tổ chức đoàn tham dự các sự kiện thương mại quốc tế lớn như Vietnam Expo, Vietnam Food Expo… và hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) trong triển khai các hoạt động XTTM giữa hai nước.
Nhân dịp này, Thương vụ đã đề nghị các cơ quan hữu quan của Senegal như Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Dakar, Cơ quan xúc tiến xuất khẩu cung cấp danh sách các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phối hợp hỗ trợ giải quyết những tranh chấp thương mại phát sinh, tiếp tục tham gia các sự kiện thương mại do Việt Nam tổ chức trong thời gian tới. Thương vụ cũng giới thiệu danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, catalogue và hàng mẫu của một số doanh nghiệp Việt Nam.
Trong thời gian ở Senegal, đại diện Thương vụ còn đi thăm Hội chợ quốc tế Dakar và tiếp xúc với các doanh nghiệp trưng bày. Ông Salihou Keita, Tổng giám đốc Trung tâm quốc tế ngoại thương Senegal (CICES), trưởng ban tổ chức Hội chợ quốc tế Dakar (Fidak 2022) cho biết đây là sự kiện thương mại lớn nhất của Senegal với sự tham gia của 311 cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Diễn ra từ ngày 15 đến 31/12/2022, sự kiện thu hút khoảng 400.000 lượt khách thăm quan. Ông Salihou Keita đề nghị những năm tới, Việt Nam tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham gia Hội chợ.
Gạo thơm Việt Nam 100% tấm được bán trong các bao 25 kg tại các siêu thị ở Senegal |
Tham tán thương mại Việt Nam cũng đến tìm hiểu hệ thống phân phối hàng hóa của Senegal. Các chuỗi siêu thị của Pháp như Auchan, Casino, Carrefour, Monoprix phát triển rất mạnh, sử dụng 60% sản phẩm địa phương, phần còn lại là hàng nhập khẩu. Mặc dù thực hiện chính sách tự cấp lương thực từ nhiều năm nay song Senegal chưa thể đáp ứng được nhu cầu về gạo trong nước, mỗi năm vẫn phải nhập khẩu từ 700.000-900.000 tấn gạo 100% tấm. Hiện tại, gạo do Senegal sản xuất đã được bày bán với số lượng lớn tại các siêu thị bên cạnh gạo của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Gạo thơm Việt Nam 100% tấm được bán trong các bao 25 kg với giá khoảng 1,15 USD/kg (rẻ hơn gạo Thái cùng loại có giá bán 1,23 USD/kg). Một số sản phẩm đồ khô như hạt tiêu, nước mắm, bánh tráng, bánh phở có nguồn gốc của Việt Nam cũng có mặt tại các siêu thị phục vụ các nhà hàng châu Á.