Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị nhằm xử lý vi phạm trên thương mại điện tử
Nông sản Việt được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế ASEAN thúc đẩy bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử Hợp tác đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử của Grab |
Tăng cường phối hợp để "gặt hái" thành công
Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối hiện đại quan trọng trong sự phát triển kinh tế hiện nay. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.
Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo báo cáo do eMarketer, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
“Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp - được ghi nhận là một trong mười sự kiện nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2022. Có được kết quả như vậy là nhờ sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Lãnh đạo Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan", Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS nhấn mạnh.
Bổ sung nhiều chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT
Lãnh đạo Cục TMĐT và KTS khẳng định, trong công tác giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, Cục TMĐT và KTS đã chủ động và tích cực phối hợp với Tổng cục QLTT trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về TMĐT; Đào tạo tập huấn nghiệp vụ về TMĐT, kỹ năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cho các cán bộ QLTT ở các địa phương.
Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Nguyễn Thị Minh Huyền |
Thực hiện Quyết định số 3304/QĐ-BCT và Quyết định số 2981/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, Cục TMĐT và KTS đã phối hợp Tổng cục xử lý nhiều vụ việc lớn như: Ansancosmetics.com, phuonghahamnghi.vn, myphamcuaphung.com, taga.vn, youmefashion.vn, vutru.vn; phutunganhem.com , v.v… Phát hiện và tạm/thu giữ hơn hàng trăm ngàn đơn vị hàng nước hoa, túi xách, thắt lưng, ví, giầy, quần áo, thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và rượu, phụ tùng xe máy, v.v…, do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định.
Hàng năm, Cục TMĐT và KTS phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Tổng cục QLTT, các Sở Công Thương địa phương, Trường đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng QLTT với trên 1.500 lượt cán bộ tham dự.
Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp Tổng cục xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đặc biệt với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm.
Thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục QLTT xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt: “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025”.
Nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT
Trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS nhấn mạnh, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục QLTT triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau:
Một là, trình Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ban hành các chính sách, pháp luật để đảm bảo thị trường kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác QLNN và tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hai là, tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và Tổng Cục về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả;
Ba là, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường; Tổ chức các hội thảo, hội nghị về công tác chống hàng giả.
Bốn là, tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các chủ sở hữu website TMĐT đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó tiếp tục thực hiện các Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trực tuyến.
Năm là, nghiên cứu và xây dựng giải pháp tổng thể bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử bao gồm: Xây dựng các giải pháp và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các Bộ ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong TMĐT; Phối hợp triển khai “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025”.