Thêm sức bật cho sự phục hồi của thị trường trong nước 2 tháng cuối năm
Thị trường trong nước tương đối ổn định
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 10/2022, thị trường hàng hóa tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa lương thực thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn.
Đặc biệt, trong tháng, hiện tượng thiếu cục bộ xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phía Nam đã dần được cải thiện so với tình hình cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hầu như vẫn mở cửa và thực hiện bán lại hàng ngay khi nhập được hàng, không có tình trạng găm hàng chờ nâng giá, trục lợi.
Trong tháng 10/2022, thị trường hàng hóa tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa lương thực thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng |
Cũng theo thông tin từ báo cáo, trong 10 tháng đầu năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng...) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Riêng mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương nhấn mạnh, để bình ổn thị trường, hạn chế tác động khi giá xăng dầu biến động tăng giảm với biên độ lớn, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm nguồn cung cũng như phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.
Ngoài ra, thông tin cụ thể về tình hình thị trường trong nước, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương cho biết, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 đạt 486.364,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng 9/2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 1,2%, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và lương thực, thực phẩm (tăng 1,3-2,1%), riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 2,6%; Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch đều giảm tương ứng 2,1% và 8,6%; Dịch vụ khác tăng 6,3%. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 tăng 17,1% (tháng 10 năm 2021 giảm 6,7% do ảnh hưởng của dịch Covid-19).
Ước tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm đạt 4.6 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 (10 tháng năm 2021 giảm 5,1% so cùng kỳ). Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 15% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, hàng may mặc, phương tiện đi lại, lương thực, thực phẩm (mức tăng từ 9,8-24,7%); nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ (với mức tăng từ 51,8-291,6%); dịch vụ khác tăng 36,5%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 10 tháng năm 2022 tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm
Trong bối cảnh quốc tế có những yếu tố thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn thách thức đối với hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế.
Theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu để có giải pháp điều hành phù hợp. Chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.
Đối với các địa phương, theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các Chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Noel, Tết sắp tới. Khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt qua đó tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt qua đó tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển |
Đối với việc bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Đối với mặt hàng xăng dầu, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Phối hợp với các đơn vị truyền thông chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Về điều hành giá xăng dầu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.