Thị trường thương mại điện tử sẽ bùng nổ dịp cuối năm
Mua sắm trực tuyến không phải là hình thức tiêu dùng mới, nhưng đại dịch Covid-19 đã thay đổi mạnh mẽ xu hướng và hành vi mua sắm của người dân khắp thế giới.
Statista - một Công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng cho biết, trong năm 2020, hơn 2 tỷ người trên thế giới đã mua hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến; doanh số bán lẻ điện tử vượt mức 4.200 tỷ USD, tăng hơn 25%. Trong đó, cuối năm là thời điểm tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử toàn thế giới.
Phân tích từ Nosto - đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thương mại hàng đầu thế giới cho thấy, doanh số bán hàng tại các cửa hàng trực tuyến của Anh tăng 23% vào ngày Black Friday năm 2020. Cũng trong ngày mua sắm đặc biệt này, các nhà bán hàng trên Amazon đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu 60% so với con số của năm 2019.
Ba tháng cuối năm là thời điểm "vàng' cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng, sàn thường thương mại điện tử tăng trưởng doanh thu, phục hồi kinh tế nhờ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao |
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam cho biết, mùa lễ hội mua sắm cuối năm sẽ nhận được nhiều sự hưởng ứng hơn khi cả nước đang bước vào giai đoạn "bình thường mới". Do đó, một bộ phận lớn người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn sau khoảng thời gian giãn cách.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt đang hướng đến chi tiêu hiệu quả, thông minh, thông qua việc lựa chọn mua hàng vào các dịp lễ hội mua sắm lớn như 11.11, Black Friday, 12.12 trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, việc thu thập voucher, tích cực tham gia các chương trình mua sắm kết hợp giải trí… cũng mang lại nhiều ưu đãi giúp người dùng tiết kiệm chi tiêu, gắn bó với với thương mại điện tử
Sau 5 năm chủ yếu mua sắm online, chị Ngọc Bích nhận thấy thay đổi lớn trong việc mua sắm của bản thân. "Bất cứ cái gì bán online, tôi đều ưu tiên mua cho tiện vì không mất nhiều thời gian đi lại, chưa kể mua online có khi được giảm giá lại có nhiều sự lựa chọn, so sánh", chị Bích chia sẻ.
Không chỉ với người tiêu dùng, cuối năm cũng là thời điểm thuận lợi để các nhà bán hàng tận dụng để bứt phá doanh thu. Theo Inc., để chuẩn bị tốt cho mùa mua sắm cuối năm, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần bắt đầu thông báo về các chương trình khuyến mãi, ưu đãi từ tháng 10.
Bên cạnh đó, nhà bán hàng cần kiểm tra lượng hàng tồn kho, từ đó đưa ra kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cung ứng phù hợp. Liên lạc sớm và thường xuyên với nhà cung cấp là cách tốt nhất để tránh những bất ngờ hoặc bất kỳ trục trặc nào khác có thể phát sinh.
Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết, Lazada đã tăng gấp đôi số lượng voucher giảm giá so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, chỉ riêng trong Lễ hội mua sắm 11.11, Lazada sẽ kích hoạt ưu đãi hàng triệu sản phẩm với mức giảm giá sâu nhất lên đến 50% và hàng loạt các chương trình mua sắm kết hợp giải trí để đáp ứng xu hướng tiêu dùng trực tuyến, cũng như thúc đẩy các thương hiệu đối tác và nhà bán hàng kinh doanh hiệu quả hơn sau ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần 4.
Không bỏ lỡ cơ hội thu hút khách hàng trong những tháng cuối năm, từ ngày 29/10 đến ngày 11/11, ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến ShopeeFood tổ chức sự kiện nhân ngày "độc thân" 11/11.
Sự kiện gồm chương trình ưu đãi đa dạng, đi kèm với chính sách miễn phí vận chuyển để người dùng tiết kiệm hơn khi chi tiêu, thoải mái thưởng thức món ăn. Ví dụ như "đồng giá 11", chương trình giảm giá chỉ 11k cho các món ăn, thức uống nằm trong bộ sưu tập "Món ngon deal hời 11K".
Ngoài khách hàng, trong sự kiện ShopeeFood cũng gia tăng thực hiện các chương trình hỗ trợ hiển thị, truyền thông, tặng mã miễn phí vận chuyển đơn hàng,... giúp cho các đối tác dễ dàng tiếp cận được tệp khách hàng lớn, đa dạng và sẵn có của ShopeeFood.
Số liệu từ Shopee cho biết, trang thương mại điện tử này đã bán được hơn 200 triệu sản phẩm trong ngày độc thân 11/11 năm ngoái tại 7 thị trường trong khu vực.