Tôm Việt xuất sang Mỹ có thể phải trả thuế chống trợ cấp sơ bộ
Hiện nay, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam là 4 quốc gia mục tiêu của DOC trong đợt rà soát lần này, chiếm 90% trong tổng số 788.209 tấn tôm nhập khẩu vào Mỹ năm 2023.
Mức thuế dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%, có hiệu lực ngay khi DOC công bố lên Công báo liên bang (Federal Register), dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, thuế sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng, các nước trên không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại cho ngành tôm Mỹ.
Quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm 2024. Như vậy, các nhà xuất khẩu tôm vào Mỹ có thể sẽ phải gánh mức chi phí chịu thuế trong suốt giai đoạn trước đó.
Ngay khi DOC công bố quyết định lên Công báo liên bang, các nhà xuất khẩu tôm từ Việt Nam sẽ phải đặt cọc mức thuế từ 2,84%. Cụ thể, yêu cầu đặt cọc với Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng là 2,84%, Công ty Thông Thuận là 196,41% và 2,84% với tất cả nhà cung cấp khác.
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể phải trả thuế chống trợ cấp
Năm 2023, Ấn Độ xuất khẩu 296.243 tấn tôm sang Mỹ, Ecuador là 205.684 tấn, Indonesia 146.258 tấn và Việt Nam là 61.516 tấn.
Tương tự Việt Nam, tôm của Ecuador cũng phải chịu thuế chống trợ cấp và đặt cọc ở mức 1,69 - 13,41%. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu tôm từ Ấn Độ sẽ phải đặt cọc mức thuế từ 3,89 - 4,72%. Các nhà xuất khẩu tôm của Indonesia chịu mức thuế chưa tới 1% nhưng không phải đặt cọc.