TP. Hồ Chí Minh: Xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm
Theo đó, Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Mỹ phẩm Lê Vân (Công ty Mỹ phẩm Lê Vân (Humnile), số 2B31/1 ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) bị xử phạt số tiền cao nhất 200 triệu đồng với nhiều lỗi vi phạm, như: không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật; kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.
Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Mỹ phẩm Lê Vân bị xử phạt số tiền cao nhất 200 triệu đồng |
Với hàng loạt hành vi vi phạm trên, Công ty Mỹ phẩm Lê Vân ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm 2 tháng; Buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cấp; Buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm dầu massage Đại Lực Hoàng…
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng xử phạt Công ty TNHH Salacos (Công ty Salacos, số D3/492K đường Vườn Thơm, Bình Lợi, huyện Bình Chánh) bị xử phạt số tiền 123,5 triệu đồng; Buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo.
Theo đó, Công ty Salacos đã quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; Sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm…
Công ty Cổ phần C13 Beauty (C13 Cosmetics) cũng vừa bị Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xử phạt 70 triệu đồng, buộc thu hồi sản phẩm vì quảng cáo “lố” sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm; hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.
Công ty Cổ phần C13 Beauty (C13 Cosmetics) cũng vừa bị Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xử phạt 70 triệu đồng, buộc thu hồi sản phẩm vì quảng cáo “lố” sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm |
Công ty TNHH Mỹ phẩm Dạ Thảo Lan (số 37 đường số 4, khu dân cư Cityland, phường 5, quận Gò Vấp) cũng đã có các hành vi vi phạm như sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm; Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Với các hành vi trên, Công ty TNHH Mỹ phẩm Dạ Thảo Lan đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 82,5 triệu đồng, buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 003167/23/CBMP-HCM, buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm CONDITIONER nhãn hàng INTASILK.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng xử lý, phạt hành chính và thu hồi giấy phép 1 loạt các công ty sản xuất, kinh doanh hóa mỹ phẩm như: xử phạt 90 triệu đồng Công ty Cổ phần Sản xuất Dược mỹ phẩm Hataphaco sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, buộc đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển XNK Thịnh Phát (số 9 đường số 4 KDC Conic xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) bị xử phạt 27,5 triệu có sản phẩm không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa…; phạt Công ty TNHH MTV TM XNK Obagi Việt Nam (12-12A Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình) 70 triệu đồng hành vi thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc...
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng sản phẩm mỹ phẩm với nhiều thương hiệu sản phẩm và xuất xứ khác nhau phục vụ nhu cầu làm đẹp của cá nhân con người. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm có chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất sản phẩm không đảm bảo các điều kiện theo quy định làm ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Trước thực tế này, để kịp thời chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh hóa mỹ phẩm, Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm. Nghị định này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý cũng như để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày một gia tăng về quy mô, chủng loại mặt hàng và hình thức kinh doanh mới phát sinh (thương mại điện tử) hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý mỹ phẩm, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập đồng thời tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.