Việt Nam - Hoa Kỳ: Nhiều triển vọng hợp tác trong bối cảnh mới
Hoa Kỳ - Đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2021 với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới” đã diễn ra vào sáng nay (7/12).
Diễn dàn do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Diễn đàn thường niên năm nay tập trung thảo luận về cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và các giải pháp phát triển thương mại - đầu tư trong bối cảnh mới.
100 tỷ USD là cột mốc kim ngạch thương mại hai chiều đang được Việt Nam và Hoa Kỳ hướng tới trong năm nay dù có những khó khăn do dịch COVID-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã trở thành bạn hàng lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 tháng qua.
Chia sẻ thẳng thắn tại diễn đàn, các chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ đều cho rằng, đại dịch COVID-19 đã và đang tạo sức ép lớn, buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững, tính liên tục.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác. Trong đó, trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn, góp phần đưa tổng thể quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu và thực chất, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, Thứ trưởng vui mừng cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.
Tính đến hết tháng 10/2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 89,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 76,7 tỷ USD (tăng 22,9% so với cùng kỳ 2020; chiếm tỷ trọng 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12,9 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, chiếm tỷ trọng 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu).
Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, tăng 5 bậc so với năm 2020.
“Có được thành công này là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ gây ra bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua một mặt gây nhiều bất ổn, nhưng mặt khác cũng tạo sức ép, buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục.
Bà Marie Damour cho rằng, Việt Nam có tiềm năng hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng, y tế, thương mại số, hàng không... |
Triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Chỉ ra những tiềm năng hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn chứng cụ thể, là một nền kinh tế có độ mở cao, tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tương lai của gần 100 triệu công dân của Việt Nam gắn kết ngày càng chặt chẽ với tương lai của khu vực, cũng như sự ổn định trong các quan hệ với các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.
Thứ trưởng kỳ vọng, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được mở rộng nhanh chóng ra nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng được đánh giá rất tiềm năng và hứa hẹn sẽ trở thành những lĩnh vực trụ cột trong hợp tác kinh tế - thương mại tương lai.
Tại các phiên tọa đàm, các diễn giả đưa ra những bình luận sâu sắc về xu hướng chính sách mới của Hoa Kỳ và Việt Nam; đánh giá về những tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu song phương... |
Đồng quan điểm này, bà Marie Damour - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng gợi ý một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên. Thứ nhất, về năng lượng, Hoa Kỳ, doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu và giải quyết về vấn đề biến đổi khí hậu, đảm bảo nền kinh tế năng động. Đặc biệt hợp tác để tìm giải pháp bền vững nhất trong vấn đề phát triển pin, năng lượng mặt trời, dự án điện gió… sớm ký hiệp định mua bán trực tiếp và hoàn tất Sơ đồ điện 8, thúc đẩy hợp tác năng lượng gió, năng lượng sạch…
Thứ 2 là y tế, Hoa Kỳ mong muốn giới thiệu nhiều công ty mới trong ngành y tế hợp tác đầu tư tại Việt Nam từ hợp tác công nghệ y tế, giới thiệu y tế hiện đại mới nhất… Thứ 3, thương mại số, Hoa Kỳ có thể cung cấp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghệ như công nghệ điện tử, online treaming…
Thứ 4, lĩnh vực hàng không. Hoa Kỳ cam kết hợp tác Việt Nam trong việc xây dựng công nghệ, phát triển sân bay với công nghệ mới nhất… Ngoài ra, còn có lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp...
Để bảo đảm cho những tiềm năng trên trở thành hiện thực, Thứ trưởng cho rằng, hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Song song đó, trong trạng thái “bình thường mới” và trong “bối cảnh mới”, Việt Nam và Hoa Kỳ cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, cũng như tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại gây bởi đại dịch.