2 nhà máy điện gió được phê duyệt giá bán điện tạm thời
Theo thông tin từ EVN, tính đến ngày 10/5/2023, có 31/85 dự nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN. Trong đó, có 2 nhà máy đã được EVN duyệt giá tạm thời.
Cụ thể, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án; 5 dự án mới gửi hồ sơ đang được EVN rà soát.
2 nhà máy điện tái tạo được phê duyệt giá bán điện tạm thời, đó là Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy Điện gió Viên An |
Đáng ghi nhận, đã có 16 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. Trong đó, đã có 6 nhà máy điện đã họp và thống nhất mức giá điện tạm thời với EVN bao gồm: Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Nhà máy điện gió Viên An, Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 và Nhà máy điện gió Hanbaram.
Ngày 10/5 vừa qua, EVN đã phê duyệt giá tạm thời cho Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy điện gió Viên An.
EVN cho biết, theo quy định của Luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo hồ sơ nhà đầu tư gửi, mới chỉ có 13/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp (chiếm khoảng 15%) đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Trong số 6 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời, mới có 3 nhà máy điện điện gió Nam Bình 1, Hưng Hải Gia Lai, Habaram được cấp giấy phép.
Trong 85 dự án, nhà máy, phần nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, có 77 nhà máy với tổng công suất 4.185,4 MW và 8 nhà máy điện điện mặt trời tổng công suất 506,66 MW.
Trước đó, ngày 15/5, sau 2 năm xây dựng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Trong đó, về mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).