61 nhân viên nhận hối lộ, làm rò rỉ dữ liệu từ các nền tảng của ByteDance
Những nhân viên này đã bị tập đoàn ByteDance (có trụ sở ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc) sa thải hoặc chính quyền buộc tội vì nhận hối lộ, làm rò rỉ dữ liệu và khai báo chi phí không phù hợp, cùng những sai phạm khác.
61 nhân viên ByteDance nhận hối lộ, làm rò rỉ dữ liệu và khai khống chi phí |
Bốn nhân viên ByteDance đã bị bắt giam hoặc được tại ngoại, trong đó có Lu Yang, người nhận “số tiền lớn lại quả từ các đối tác bên ngoài”, theo một email nội bộ công ty mà trang SCMP nhìn thấy.
Gia nhập ByteDance vào năm 2018, Lu Yang phụ trách mảng bản quyền âm nhạc kỹ thuật số của Douyin, theo hồ sơ LinkedIn của anh ta.
Theo email, Lu Yang cùng ba nhân viên xộ khám khác đã bị Liên minh Doanh nghiệp Tin cậy và Liêm chính cùng Liên minh Chống gian lận Doanh nghiệp đưa vào danh sách đen. Hai nhóm đạo đức nghề nghiệp lớn ở Trung Quốc đều có hơn 100 công ty thành viên.
Đại diện ByteDance đã xác nhận nội dung email. Lu Yang không trả lời ngay lập tức câu hỏi mà SCMP gửi qua LinkedIn. SCMP không thể liên hệ với những người khác có tên trong email của ByteDance.
Các trường hợp có vấn đề khác được ByteDance xác định là vi phạm “hệ thống liêm chính và trung thực”, “xung đột chế độ lợi ích” và “hệ thống bảo mật thông tin”.
Trong một trường hợp, Guo Qiyang, nhân viên bộ phận thương mại điện tử của ByteDance, đã tiến hành đào tạo riêng cho các thương nhân và kiếm được 200.000 nhân dân tệ (27.600 USD) từ quá trình này.
Wang Kunyan, nhân viên nhóm nền tảng chỉnh sửa video CapCut thuộc ByteDance, “đã tiết lộ thông tin công ty cho các đối thủ” trong khoảng thời gian từ tháng 8.2023 đến tháng 2.2024.
Bao Yizhi, nhân viên thuộc nhóm dịch vụ địa phương ở ByteDance, đã lấy trộm đồ của đồng nghiệp và bán với giá 3.404 nhân dân tệ.
Hơn chục trường hợp khác là các nhân viên ByteDance khai khống chi phí vận chuyển, chỗ ở và ăn uống cho các mục đích không liên quan đến công việc.
Những hành vi sai trái của hàng chục nhân viên khiến lãnh đạo ByteDance phải đau đầu.
Giống như các hãng công nghệ lớn khác ở Trung Quốc, ByteDance luôn giám sát chặt chẽ hành vi của nhân viên. Hồi tháng 3, đơn vị kinh doanh Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc) cho biết đã trình báo 23 nhân viên cho cảnh sát và sa thải 136 người vì tội hối lộ, tham ô vào năm ngoái. Đơn vị này cũng giám sát trang tổng hợp tin tức Jinri Toutiao và các ứng dụng cung cấp nội dung phổ biến khác ở Trung Quốc.
Cuối năm 2022, ByteDance phát hiện ra một số nhân viên lạm quyền truy cập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ, làm phức tạp thêm nỗ lực vốn khó khăn của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nhằm thuyết phục các nhà làm luật Mỹ rằng ứng dụng chia sẻ video ngắn này an toàn.
Theo 4 nguồn tin của Reuters, ByteDance muốn đóng cửa TikTok thay vì bán nó nếu sử dụng hết mọi lựa chọn pháp lý nhưng không thể chống lại luật cấm nền tảng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này trên các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.